Cho rằng Sữa học đường là vấn đề “rất cấp bách”, ông Nguyễn Đức Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ – trẻ em (Bộ Y tế) đã chia sẻ về lộ trình hiện thực hóa ý tưởng tốt đẹp này.
Hy vọng tầm vóc của người Việt Nam sẽ được cải thiện
Thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh, người trực tiếp phụ trách xây dựng đề án chương trình Sữa học đường cho rằng, đây là một chương trình rất cần thiết với mục đích cải thiện tầm vóc, thể lực cho nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
“Thực tế, chiều cao của thanh niên Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng như với chuẩn của thế giới còn thấp hơn rất nhiều.
Cùng với đó, thực trạng thấp còi của trẻ em Việt Nam vẫn chưa được quan tâm nhiều dẫn đến tình trạng tấm vóc, thể lực của người Việt chúng ta bị hạn chế.
Hiện nay, ngành Y tế, thông qua chương trình dự án mục tiêu quốc gia về Y tế, trong đó có dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản, cải thiện về dinh dưỡng thì mới chỉ có một số can thiệp truyền thông, theo dõi tăng trưởng, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em…Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên các chương trình triển khai chưa được toàn diện.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới thì tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi chúng ta khoảng 26%, theo tính toán, cứ hơn 4 cháu lại có 1 cháu bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Điều này đã gây ảnh hưởng lớn và có thể hiện rõ qua các cuộc thi đấu thể dục, thể thao, nhất là bóng đá thì tầm vóc, thể lực của các cầu thủ chúng ta còn hạn chế.
Thêm vào đó, từ kinh nghiệm triển khai chương trình của các nước trong vòng từ 3 – 5 năm thì chiều cao đã được cải thiện đáng kể, trong đó, phải kể đến Trung Quốc, Thái Lan.
Ở Việt Nam chúng ta, có doanh nghiệp đã triển khai chương trình sữa học đường ở các tỉnh thì đã thấy có cải thiện rõ rệt trong giảm tỷ lệ thấp, còi ở trẻ em. Tuy nhiên, việc triển khai này còn mang tính chất manh mún, chưa có tập thể…
Xuất phát từ thực trạng như vậy và trên cơ sở đề án số 641/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/4/2011về chương trình tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011 – 2030, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng chương trình Sữa học đường.
Khi được phép triển khai chương trình Sữa học đường trong thời gian nhất định là 5 năm thì chúng tôi hy vọng là tình trạng thể lực, tầm vóc của người Việt Nam sẽ được cải thiện.
Trên cơ sở kết quả của chương trình nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ ban hành những chương trình cụ thể tiếp theo”, ông Vinh cho hay.
Cũng theo ông Vinh, hiện nay Bộ Y tế vẫn đang tích cực hoàn thiện đề án chương trình Sữa học đường để có thể trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.
“Chúng tôi cũng rất hy vọng chương trình sẽ sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với chương trình lễ khởi động vừa qua thì cũng có thể được coi là một bước đệm ban đầu để mọi người biết được là Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang xây dựng chương trình này…”, ông Vinh nói.
“Sữa học đường là vấn đề rất cấp bách”
Ông Vinh cũng chia sẻ, trong quá trình xây dựng chương trình Sữa học đường và tới đấy, nếu chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì sẽ còn có nhiều khó khăn nhưng khó khăn nhất là về cơ chế, kinh phí.
“Thực tế, như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, tình trạng nợ công của chúng ta đang tăng cao dẫn đến kinh phí cho các chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm thấp nhất là 50% và nhiều chương trình là trên 50%.
Cũng theo dự kiến, trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ không còn chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó vấn đề kinh phí dành cho chương trình khiến Bộ Y tế khi trình lên Chính phủ cũng rất băn khoăn.
Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu và từ thực tế, trách nhiệm của ngành, chúng tôi thấy rằng Sữa học đường là vấn đề rất cấp bách, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nên Bộ Y tế vẫn mạnh dạn đề xuất Chính phủ. Từ việc cân nhắc trong bối cảnh tổng thể kinh tế – xã hội, yêu cầu, mục tiêu phát triển của quốc gia, Chính phủ sẽ có quyết định”, ông Vinh cho hay.
Đồng thời, theo ông Vinh, từ thực tế, khó khăn về kinh phí của Nhà nước nên nếu chương trình được phê duyệt thì vai trò của doanh nghiệp sẽ rất quan trọng.
“Chúng tôi cũng đã tính toán, nếu chương trình được phê duyệt thì kinh phí cũng không lớn nhưng do nguồn vốn của Nhà nước hạn chế nên vai trò của doanh nghiệp ở đây rất quan trọng. Nhưng khi doanh nghiệp tham gia vào thì cũng có rất nhiều vấn đề như là cơ chế chính sách, cạnh tranh lành mạnh, sự phát triển của doanh nghiệp…
Cùng với đó, doanh nghiệp khi tham gia vào còn là vấn đề lợi ích của họ nên việc này không phải đơn giản. Chính vì vậy, việc gắn, kết hợp như thế nào giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để đảm bảo hài hòa nhiệm vụ chính trị của cơ quan nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của các đối tượng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa… phải được tính toán kỹ.
Thêm vào là vai trò của cơ quan truyền thông cũng rất quan trọng để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở.
Thực tế, trong thời gian qua, dù chưa có chương trình nhưng nhiều địa phương bằng nguồn vốn của mình đã tiến hành Sữa học đường nên chúng tôi hy vọng khi được phê duyệt thì đây sẽ là định hướng tốt.
Các địa phương có điều kiện sẽ dùng ngân sách của mình để thực hiện còn các địa phương khó khăn về ngân sách thì sẽ cố gắng kêu gọi, huy động các doanh nghiệp giúp đỡ để thực hiện…”, ông Vinh bày tỏ.
Nhấn mạnh về việc rất cần thiết sớm ban hành quy chuẩn sữa học đường, tuy nhiên, theo ông Vinh, khi chương trình Sữa học đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì sẽ xây dựng quy chuẩn.
“Chúng tôi cho là rất cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm tham gia chương trình Sữa học đường. Tuy nhiên, vẫn phải nói lại, chương trình chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên mọi việc vẫn phải chờ khi có quyết định chính thức và khi Chính phủ giao cho Bộ Y tế thì chúng tôi mới tiến hành xây dựng”, ông Vinh cho biết thêm.
Kêu gọi “Chung tay vì Tầm vóc Việt”
Trước đó, trong lễ khởi động chương trình “Chung tay vì Tầm vóc Việt”, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam đã khẳng định sữa học đường được sản xuất có chất lượng, là tiền đề dinh dưỡng rất quan trọng nâng cao tầm vóc và trí tuệ của người Việt Nam.
Đồng thời, ông Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam hãy thi đua sản xuất để có nhiều sản phẩm sữa học đường chất lượng cao, giá cả hợp lý; các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm cùng chia sẻ về tài chính để những trẻ em nghèo được sử dụng sữa miễn phí…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng kêu gọi: “Chúng ta hãy dành cho các con, con cháu những người yêu quý nhất của chúng ta những gì tốt đẹp nhất. Hãy để cho các búp măng non phát triển thành các rừng tre tươi tốt vững vàng trước giông tố. Chúng ta hãy chung tay để các cháu, các con lớn khôn bằng dòng sữa mẹ, cũng như sản phẩm sữa thẫm đẫm tình yêu, trách nhiệm, niềm tin và cả niềm tự hào”
Hội đồng Khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia, sau khi thử nghiệm sữa học đường TH School MILK trên 3.600 trẻ em trong 9 tháng, đã xác nhận: Sữa tươi sạch góp phần giảm đáng kể tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân và cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu, thiếu kẽm và thiếu vitamin ở lứa tuổi vàng.
Đánh giá cao kết quả này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Đây là cơ sở khoa học để Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai chương trình sữa học đường quốc gia”.
Theo: Mask Online