Chương trình Sữa học đường Nghệ An

Mô hình Chương trình Sữa học đường cấp tỉnh tại Nghệ An

Tại Nghệ An, thống kê của ngành y tế năm cho thấy tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng vẫn ở mức 19,3%, đứng thứ 27/63 tỉnh thành. So với chỉ tiêu của Đảng bộ tỉnh Nghệ An đến 2015 tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm còn 15% (trung bình mỗi năm phải giảm 1,18%) thì vẫn chưa đạt. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chọn giải pháp triển khai Sữa học đường. Sau nhiều cuộc họp lấy ý kiến các Sở, ban ngành, UBND các huyện, UBND tỉnh đã ban hành chính sách để triển khai Chương trình. Cụ thể:

Quyết định số 4507/QĐ-UBND.VX do UBND tỉnh đã ban hành ngày 06/10/2015 phê duyệt Đề án thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 – 2016

Kế hoạch số 711/BCĐDD triển khai Đề án thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015-2016.

Tại các cuộc họp của UBND tỉnh về xây dựng chính sách, lãnh đạo Sở Y tế khẳng định, theo các công trình nghiên cứu khoa học về tâm lý, sinh lý và xã hội học, giai đoạn tuổi học đường là giai đoạn có tính chất quyết định để tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực trí tuệ trong tương lai và đây cũng là giai đoạn não bộ phát triển hoàn thiện nhanh nhất làm nền tảng cho trí thông minh sau này của trẻ. Nếu tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thấp còi ở các độ tuổi còn ở mức cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nhân lực địa phương. Vì thế, việc triển khai Chương trình cấp tỉnh là phù hợp, mang tính xã hội cao.

Cách làm

Xác định được tầm quan trọng của vấn đề thể chất và dinh dưỡng, UBND tỉnh đã đẩy mạnh triển khai Chương trình ngay trong năm học 2015-2016. Chương trình này có những đề xuất khả thi về cơ chế tài chính, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học uống sữa tại trường và giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách quốc gia. Cụ thể, Chương trình huy động tài chính từ các nguồn lực:

– Thứ nhất là các bậc phụ huynh (là nguồn lực chủ yếu).

– Thứ hai là ngân sách nhà nước.

– Thứ ba là Cộng đồng, Xã hội (gồm có doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước).

 

Cơ chế hỗ trợ: Chương trình có hỗ trợ chi phí sử dụng sản phẩm sữa cho học sinh theo 3 diện thụ hưởng là:

+ Diện A: là học sinh thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành, con thương binh, con liệt sỹ, con người có công với cách mạng được được tài trợ 100%.

+ Diện B: là học sinh thuộc diện hộ cận nghèo theo theo quy định hiện hành được tài trợ 50% chi phí sản phẩm.

+ Diện C: là học sinh thuộc diện còn lại được tài trợ 30% chi phí sản phẩm.

 

Nguồn lực hỗ trợ được vận động thông qua Quỹ Sữa học đường Vì tầm vóc Việt.

Hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh, tập đoàn TH- đơn vị sở hữu thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK đã tham gia Chương trình với vai trò thứ 3- nhà tài trợ, và được đánh giá cao vì là doanh nghiệp chế biến sữa có sản phẩm sữa tươi đạt đạt chuẩn học đường. Khi triển khai Chương trình, TH true MILK đáp ứng các yêu cầu về hỗ trợ tài chính, đảm bảo mọi trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học đều được uống sữa học đường tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình.

Trong năm học 2015-2016, Chương trình được triển khai trên 17/21 huyện thành thị (cao hơn nhiều so với mục tiêu của tỉnh là thí điểm trên 3 huyện, thành; các địa phương khác tham gia tự nguyện trên cơ sở lợi ích của học sinh); Có 215.851 học sinh tại các trường mầm non, tiểu học đăng ký tham gia, đạt 50% số học sinh toàn tỉnh. Mỗi cháu được sử dụng 1 hộp (180ml) sữa tươi mỗi ngày, 5 ngày/tuần.

Có thể nói, mô hình điểm Chương trình Sữa học đường do Tập đoàn TH đồng hành triển khai tại Nghệ An có ý nghĩa nhân văn và có thể nhân rộng toàn quốc theo Quyết định 1340/QĐ-TTg.