Chương trình Sữa học đường quốc gia đang trên đà hiện thực hoá khi nhiều tỉnh thành đã và đang triển khai. Tại Nghệ An, món quà đầy tính nhân văn này cho trẻ đã được thực hiện trọn vẹn khi có nguồn sữa tươi đạt chuẩn và các bước triển khai hiệu quả.
Niềm vui tới trường
2 cậu bé Lô Xuân Tâm, Lô Xuân Vinh – dân tộc Thanh (xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) có lẽ suốt tuổi thơ không được “nếm” vị sữa, lý do là vì bà mẹ nghèo của em – chị Ngân Thị Sáng – không lo nổi chi phí ăn uống cho con tại trường, chưa nói tới uống sữa.
Sức khỏe 2 anh em Lô Xuân Tâm, Lô Xuân Vinh được cải thiện nhờ uống sữa đều đặn tại trường
Thế nhưng, từ 2 năm học vừa qua, 2 cậu bé đều được uống sữa học đường như các bạn nhờ cơ chế hỗ trợ nhân văn của Chương trình: “Các thầy cô giáo giải thích, học sinh nghèo được miễn phí, học sinh cận nghèo và các bạn khác cũng được hỗ trợ nhiều lắm, nên giờ bạn nào tới lớp cũng được uống sữa. Con nhà mình rất vui, lúc nào cũng thích tới lớp”- chị Sáng chia sẻ
Tâm và Vinh là 2 trong số hơn 57.000 học sinh nghèo cấp học mẫu giáo, tiểu học ở tỉnh Nghệ An được thụ hưởng nguồn dinh dưỡng quý giá là Sữa học đường. Cùng với Tâm, Vinh, hơn 250.000 học sinh thuộc diện cận nghèo và các học sinh khác cũng được uống sữa tại trường với chi phí hợp lý. Các bé được uống sữa đúng giờ, đúng số lượng (5 hộp 180ml/tuần) và quan trọng nhất là uống sữa tươi chất lượng cao.
Học sinh tỉnh Nghệ an với niềm vui uống sữa học đường
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế tính Nghệ An chia sẻ, sữa học đường là giải pháp quan trọng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em, góp phần tạo dựng một thế hệ trẻ phát triển toàn diện về thể lực và trí tuệ, vững vàng làm chủ đất nước trong tương lai. Vì tầm quan trọng đó, tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã nỗ lực tìm các giải pháp triển khai.
Về chính sách, UBND tỉnh đã ban hành đề án cấp tỉnh, có cơ chế huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó có các thầy cô- những người luôn sát cánh với học sinh. Cùng với đó là sự vào cuộc của nhà tài trợ là tập đoàn TH. Vì chưa có mô hình điểm, các đơn vị vào cuộc với tinh thần “khó đâu gỡ đó”. Các đợt tập huấn thần tốc, các nhà trường cùng tuyên truyền, lấy ý kiến phụ huynh, giải thích các cơ chế… Rồi mọi thứ cũng đã đâu vào đó.
“Điều quan trọng nhất với chúng tôi là quy mô triển khai trên 1.000 trường, chúng tôi không thể đi từng trường kiểm tra từng loại sữa mà phải có một ly sữa quy chuẩn chung. Tập đoàn TH có giải pháp cho băn khoăn đó khi cung cấp dòng sữa quy chuẩn được làm từ sữa tươi sạch nguyên chất, bổ sung các vi chất cần thiết. Sản phẩm này đã được kiểm nghiệm lâm sàng, có chứng nhận của Bộ Y tế nên phụ huynh rất tin tưởng”- ông Trần Nguyên Truyền, Chuyên viên Sữa học đường của Sở Y tế Nghệ An chia sẻ.
Ly sữa quy chuẩn ấy đã giúp Nghệ An giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng với tốc độ trung bình (ở các trường uống sữa) đạt tới hơn 2%/năm, cao gần gấp đôi so với mức giảm chung. Vậy là “món quà” sữa học đường đã mang lại những niềm vui trọn vẹn về hiệu quả cải thiện dinh dưỡng trong một chương trình đầy tính nhân văn.
Mô hình cần nhân rộng
Sau hơn 5 năm ấp ủ, Chương trình Sữa học đường quốc gia chính thức được Chính phủ khởi động bằng việc ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg (phê duyệt Chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020) vào tháng 7/2016.
Quyết định này được coi là món quà quý giá của Đảng và Nhà nước và toàn xã hội dành cho thế hệ tương của đất nước, nhất là trong điều kiện nhiều nhiệm vụ kinh tế – xã hội quan trọng khác cùng cần nguồn lực. Sau quyết định này, nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai chương trình.
Nghệ An là tỉnh thực hiện Chương trình từ rất sớm với các bước triển khai bài bản từ thí điểm quy mô nhỏ (3 huyện, thị trong năm học 2015-2016 nhưng năm học này có tới 17/21 huyện thị tham gia) và quy mô toàn tỉnh (năm học 2016-2017)
Cùng với Nghệ An, một số tỉnh thành đã triển khai, nay tiếp tục nhân rộng. Hiện tại, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã có những động thái lấy ý kiến phụ huynh để triển khai trên diện rộng. Thậm chí, những địa phương khó khăn hơn như Hoà Bình, Tuyên Quang, Đắk Lắk… cũng đã có quyết định triển khai.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất – chất lượng sữa chưa được thực hiện thống nhất. Theo quyết định của Chính phủ, sữa được sử dụng cho Chương trình Sữa học đường là sữa tươi. Đây được coi là mũi tên trúng nhiều đích khi sữa tươi đảm bảo tốt hơn cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ hơn sữa bột pha lại; đây cũng là cách khuyến khích, thúc đẩy được ngành nông nghiệp, sản xuất nông sản, cụ thể là sản phẩm sữa tươi trong nước. Thực tế, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện tình trạng hiểu và áp dụng nội dung này khác nhau ở các địa phương.
Ngay cả khi quyết định sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường, giới chuyên môn về dinh dưỡng cũng như các cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện vẫn băn khoăn khi chưa có quy chuẩn, công thức về các khoáng chất, vitamin bổ sung vào sữa. Hiện tại, một công thức các chất bổ sung cho sữa học đường duy nhất được Bộ Y tế chứng nhận có hiệu quả thuộc về Tập đoàn TH sau khi doanh nghiệp này tiến hành thử nghiệm lâm sàng một cách có hệ thống với sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng trong và ngoài nước trên 3.600 học sinh.
Bởi vậy, mô hình sữa học đường Nghệ An và cách tỉnh Nghệ An áp dụng sữa đạt tiêu chuẩn cho Chương trình đang là mô hình để các tỉnh khác tìm hiểu, ngiên cứu, xây dựng nền tảng chung cho Chương trình Sữa học đường trong cả nước.
Về công thức chung, hiện tại, Bộ Y tế chỉ mới đưa ra quy định tạm thời về SHĐ là sữa tươi (Quyết định số 5450/BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình SHĐ).
Theo Tri thức trẻ