Năm học 2016-2017, hàng chục ngàn trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học tỉnh Nghệ An thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng nhờ Chương trình Sữa học đường. Chương trình cũng được đánh giá là “giúp phụ huynh yên tâm về chất lượng và nguồn sữa cho con uống tại trường”…
Chỉ vài dòng ngắn ngủi đó thôi nhưng là tâm huyết của một phụ nữ đặc biệt- được mệnh danh là “người đàn bà sữa tươi” quyền lực do tạp chí tài chính danh tiếng Forbes bình chọn- bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH, đơn vị đang đồng hành cùng tỉnh Nghệ An triển khai Chương trình Sữa học đường với vai trò là nhà tài trợ.
Kỹ lưỡng từ quá khứ
Với Chương trình sữa học đường Nghệ An, bà Thái Hương là hạt nhân tích cực đồng hành với UBND tỉnh Nghệ An triển khai từ khi mô hình còn sơ khai. Bà nhận định, điều kiện tiên quyết để Chương trình thành công là phải có sữa tươi học đường đạt chuẩn và có cách huy động nguồn lực tài chính để mọi trẻ em đều có cơ hội uống sữa học đường.
Với nhận định đó, bà là người đầu tiên đấu tranh để cơ quan chức năng ban hành tiêu chuẩn sữa học đường. Bà chia sẻ: “Trẻ em uống bao nhiêu sữa không quan trọng bằng uống sữa đạt chuẩn, phù hợp với sự hấp thu để cải thiện tầm vóc, thể lực. Để có được điều đó, chúng ta phải có một quy chuẩn sữa quốc gia dành riêng cho sữa học đường. Sữa học đường là công thức được nghiên cứu dựa trên kết quả lâm sàng của những học sinh ở lứa tuổi ấy, phải hiểu được các em ở lứa tuổi đó cần gì, thiếu gì. Ở nhiều nước trên thế giới đều có quy chuẩn sữa học đường, đặc biệt như Nhật Bản đã đưa các tiêu chí này vào luật, tức là phải nghiêm túc, có quy định rõ ràng”.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH phát biểu tại chương trình "Sữa học đường – Vì tầm vóc Việt"
Bà Thái Hương luôn là người kỹ lưỡng trong việc xây dựng các chuẩn mực sản phẩm. Sữa học đường được chế biến từ dòng sữa tươi sạch tại trang trại TH mà theo mô tả của các chuyên gia ngành sữa là “khép kín hoàn toàn” tới mức không có con vi khuẩn nào lọt vào: Sữa vừa vắt ra được làm lạnh đột ngột xuống dưới 4 độ C và được chuyển ngay đến bồn bảo quản sữa.
Sau đó, sữa được chuyển đến nhà máy chế biến bằng bồn lạnh bảo ôn đặc biệt nhập khẩu từ Israel. Nuôi bò sữa cần chú ý nhất là bệnh viêm vú. Đàn bò của TH True Milk được gắn chíp cảnh báo được bệnh này trước 4 ngày. Khi có biểu hiện của bệnh trước 4 ngày, máy vắt sữa sẽ tự động từ chối vắt sữa đối với “cô bò” đó. Nếu không có hệ thống cảnh báo này, sữa tươi nguyên liệu rất dễ nhiễm mủ, máu.
Nhưng sữa tươi sạch chưa đủ, để làm sữa tươi sạch học đường TH school MILK, bà chỉ đạo nghiên cứu lâm sàng trong cả năm học 2013-2014 với quy trình khắt khe nhất, được thực hiện nghiêm túc, khoa học và có triển khai những nhóm đối chứng minh bạch. Đây là mô hình được phối hợp với Viện dinh dưỡng Quốc gia thực hiện tại 15 trường mẫu giáo và tiểu học với 3.600 trẻ thuộc huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An. Trong đó có xử lý số liệu chọn 240 trẻ bị thấp còi cho đánh giá khẩu phần và thiếu vi chất dinh dưỡng bằng xét nghiệm máu, vitamin A, kẽm và Hb trước và sau khi uống sữa. Nhóm trẻ này được chia làm 2 nhóm: can thiệp và đối chứng, nhóm can thiệp được uống 2 hộp sữa 180ml trong 1 ngày.
Học sinh tiểu học huyện Đô Lương (Nghệ An) trong giờ uống sữa
Kết quả kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm mạnh khoảng 3%; suy dinh dưỡng thấp còi giảm khoảng 1,5%; tình trạng thiếu hụt 1 số vi chất dinh dưỡng chính (vitamin A, sắt, kẽm) đều được cải thiện rõ rệt. Đây là một thành công đáng kể so với những nỗ lực giảm tỉ lệ nhẹ cân và thấp còi trên toàn quốc (từ 2012 đến 2013, tỉ lệ nhẹ cân trên toàn quốc giảm 0,9% và tỉ lệ thấp còi giảm 0,8%)
Với kết quả này, TH school MILK là sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em.
Ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, nhấn mạnh loại sữa sử dụng trong Chương trình là sữa tươi. Con đường này tập đoàn TH đã đi từ rất lâu- trở thành đơn vị khởi đầu cho những ly sữa tươi học đường đạt chuẩn.
“Tôi cho rằng làm được điều hữu ích cho lứa tuổi vàng này là cách đầu tư tốt nhất”- bà khăng định.
Quả ngọt ngày hôm nay
Trong Chương trình Sữa học đường tỉnh Nghệ An, kết thúc năm học 2016-2017, đánh giá thể lực học sinh tại các huyện cho thấy: Suy dinh dưỡng (SDD) thể cân nặng/tuổi ở các trường mầm non đã triển khai chương trình giảm trung bình là 2,85%, cao hơn mức giảm trung bình hàng năm từ 2010 đến nay (0,7%/năm) và cao hơn mức giảm trung bình ở các trường mầm non chưa triển khai chương trình (1,98%). SDD chiều cao/tuổi ở các trường mầm non đã triển khai giảm trung bình là 2,75%, cao hơn mức giảm trung bình hàng năm từ 2010 đến nay (1,0%/năm) và cao hơn mức giảm trung bình ở các trường mầm non chưa triển khai chương trình (1,48%).
SDD thể cân nặng/tuổi ở các trường tiểu học đã triển khai chương trình giảm trung bình là 2,78%, cao hơn mức giảm trung bình ở các trường tiểu học chưa triển khai chương trình (1,15%). SDD chiều cao/tuổi ở các trường tiểu học đã triển khai giảm trung bình là 2,39%, cao hơn mức giảm trung bình ở các trường tiểu học chưa triển khai chương trình (1,1%).
Tỷ lệ giảm hơn 2% tới gần 3% học sinh suy dinh dưỡng các thể tự nó đã nói lên hiệu quả của Chương trình, trong đó không thể không nói tới tác động của những ly sữa tươi đạt chuẩn.Có thể nói, những ly sữa đạt chuẩn được uống đúng lúc, đủ số lượng (5 hộp 180ml/tuần) đã mang lại thành công lớn về mặt dinh dưỡng cho Chương trình.
Rất nhiều lần đăng đàn phát biểu, bà Thái Hương đều khẳng định tâm niệm muốn làm “người nội trợ tử tế”. Bà khẳng định: “Có 2 việc mà tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, đó là làm sữa học đường tốt nhất cho trẻ em, thứ hai là làm cuộc cách mạng về an toàn thực phẩm. Tôi luôn muốn mang lại những giá trị đích thực cho cộng đồng theo phương châm Nghiêm túc – Chân chính – Kiêu hãnh”.
Năm 2009, 92% thị trường sữa nước Việt Nam là từ sữa bột pha lại. Với sự vào cuộc của bà Thái Hương và tập đoàn TH đầu tư sản xuất sữa tươi sạch, tỷ trọng sữa tươi trên thị trường đã tăng từ 8% năm 2009 lên đến 30% năm 2015. TH cũng đã tạo ra một xu hướng mới cho ngành sữa, khi khuyến khích nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia nhiều hơn vào việc nuôi bò và chế biến sữa tươi thay vì nhập sữa bột về pha lại.
Với Chương trình Sữa học đường, bà Thái Hương cũng giữ vẹn nguyên mong muốn đó: “Tiêu chuẩn Sữa học đường Bộ Y tế đã ban hành rồi, ai làm sữa học đường cũng được nhưng phải làm sữa đúng tiêu chuẩn, có nhận diện sản phẩm sữa học đường để các trường dễ nhận biết. Trẻ em lứa tuổi vàng là tương lai của chúng ta, dù có khó khăn muôn vàn cũng phải dành cho các em những gì tốt đẹp nhất”.
Ngày 7/7 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Thí điểm mở rộng Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2016 – 2017”. Theo báo cáo tại Hội nghị, năm học 2016-2017 có 311.733 học sinh tại các trường mầm non, tiểu học đã đăng ký tham gia Chương trình, đạt 69% số học sinh toàn tỉnh. Nghệ An cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai Chương trình trên diện rộng (toàn tỉnh, ở cả 2 cấp học mẫu giáo, tiểu học). Theo nhận định của Sở Y tế tỉnh Nghệ An, sản phẩm sữa TH school MILK do tập đoàn TH cung cấp đã thực sự góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao tầm vóc của trẻ; thu hút được số trẻ đến trường, đến lớp đông hơn, chuyên cần hơn.
Nguồn: dantri.vn