Cần quy chuẩn quốc gia Sữa học đường
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đương kim Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Bá Thủy cho rằng, quy chuẩn Quốc gia về sữa học đường là một trong các điều kiện tiên quyết để đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 thành công.
Thể lực thanh niên Việt Nam rất kém
PV: Theo kết quả của tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7 cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 13,1cm, trong khi chiều cao trung bình của nữ là 153 cm, thấp hơn tiêu chuẩn 10, 7cm. Thưa TS Thủy, ông nhìn nhận như thế nào về những con số này và theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thấp còi của trẻ em Việt Nam?
TS Nguyễn Bá Thủy: Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng trong đó có điều tra dinh dưỡng năm 2010, mặc dù thể lực và tầm vóc người Việt Nam đã có được bước phát triển nhưng do với tiêu chuẩn chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì vẫn còn khiêm tốn, thua kém nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore hoặc châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Về tố chất thể lực của thanh niên Việt Nam cũng bị xếp vào loại kém, thậm chí rất kém nếu so với chuẩn quốc tế hay Nhật Bản.
Cùng với đó, hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 21,2% và 33,9% (2007) nhưng ở một số vùng như Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc tỷ lệ này vẫn còn cao, trên 25% và trên 40%. Ở trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi thường có sự thiếu hụt vi chất, thiếu vitamin A, D, sắt, kẽm.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng là do độ tuổi này là giai đoạn trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao cho sự phát triển thể lực và trí lực, lại diễn ra sự chuyển tiếp về chế độ dinh dưỡng (ăn bổ sung, cai sữa và chuyển sang ăn bữa ăn cùng gia đình), trong khi đó chế độ ăn không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cả về số lượng và chất lượng.
Tỷ lệ suy dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn không đồng đều ở các vùng sinh thái khác nhau. Cao nhất là Tây Nguyên, do đây là vùng nghèo, còn có nhiều khó khăn, mùa màng thường xuyên chịu tác động nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt. Ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ tỷ lệ này thấp hơn so với các vùng khác. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn khác nhau giữa thành thị và nông thôn. Điều này được lý giải bởi sự bất cập trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, trình độ dân trí và khoảng cách giàu nghèo.
PV: Thưa TS, cũng từ thực tế này, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của tầm vóc Việt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của chúng ta?
TS Nguyễn Bá Thủy: Người có chiều cao tốt và trọng lượng cơ thể tương xứng, thường được coi là người có tầm vóc cao, to, chiếm ưu thế trong việc phát triển thể chất, tinh thần, giao tiếp so với người thấp bé, nhẹ cân. Họ có tiền đề thuận lợi trong học tập, lao động và tuyển dụng nghề nghiệp.
Có thể nói, ưu thế của những người có tầm vóc cao to không chỉ là niềm hạnh phúc của bản thân, gia đình mà còn là yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống, năng suất lao động, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thể lực và tầm vóc con người có ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời góp phần cải thiện nòi giống người Việt Nam.
Nguồn sữa ở đâu? Bổ sung vi chất nào?
PV: Thưa Tiến sĩ, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần cải thiện tầm vóc, thể lực con người là cho trẻ trong độ tuổi vàng mẫu giáo và tiểu học được uống sữa đảm bảo vi chất hàng ngày. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
TS Nguyễn Bá Thủy: Ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, trẻ em cần được chăm sóc tốt, đồng thời có chế độ ăn hợp lý.
Việc này rất cần đến những sản phẩm giàu dinh dưỡng, trước hết là sữa, nguồn dinh dưỡng quý báu cho trẻ em từ khi mới lọt lòng để phát triển thể lực, tầm vóc. Cho trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học uống sữa điều độ hàng ngày là một giải pháp tốt.
PV: Vừa qua, đã diễn ra lễ khởi động chương trình “Chung tay vì tầm vóc Việt”, cung cấp sữa học đường – một chương trình hướng ứng đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Ông nhìn nhận thế nào về chương trình này và sự cần thiết của nó đối với tầm vóc người Việt.
TS Nguyễn Bá Thủy: Có thể nói, đây là lần đầu tiên nước ta có một đề án tổng thể mang quy mô như vậy để phát triển thể lực và tầm vóc người dân. Phạm vi ảnh hưởng của đề án vô cùng lớn, bởi một khi được triển khai theo đúng nghĩa, thì nó sẽ có tác động trực tiếp tới hàng chục triệu trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước.
Và nó hướng tới việc tạo nên sự tiến bộ rõ rệt về thể chất của người Việt Nam trong những thập niên tiếp theo của thế kỷ 21, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Chương trình có thể sớm triển khai với hệ thống các trường học từ mầm non tới trung học phổ thông trên toàn quốc (trước mắt ở các tỉnh, thành trọng điểm) thông qua “bữa ăn học đường”. Hay Sữa học đường (mầm non, tiểu học) có thể kết hợp với tăng cường truyền thông, giáo dục dinh dưỡng trong phạm vi trường học kết hợp với các gia đình của học sinh…
Ngoài ra, theo tôi, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam, cũng cần chú trọng đến việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp, điều trị sớm các bệnh tật, các rỗi loạn chuyển hóa, di truyền trong giai đoạn bào thai, sơ sinh. Từ đó giúp trẻ sinh ra bình thường hoặc tránh được những hậu quả quá nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.
PV: Thưa ông, nhiều chuyên gia về dinh dưỡng, y tế cũng bày tỏ, đã có chương trình sữa học đường thì rất cần phải sớm có Quy chuẩn quốc gia về sữa học đường để đảm bảo nguồn sữa các em được uống tươi sạch nhất, đảm bảo vi chất cần thiết nhất. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
TS Nguyễn Bá Thủy: Quy chuẩn Quốc gia về sữa học đường là một trong các điều kiện tiên quyết để đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 thành công. Tôi cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ càng, có ý kiến các nhà khoa học để có quy chuẩn Quốc gia về Sữa học đường sao cho chương trình đạt hiệu quả cao nhất.
Ví dụ như là nguồn nguyên liệu sữa từ nơi nào tốt hay những vi chất nào cần ưu tiên, bổ sung vào sữa…
Đã có kết quả nghiên cứu
Hiện nay, đã có một vài địa phương thí điểm chương trình Sữa học đường. Một nghiên cứu của Hội đồng Khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia, sau khi thử nghiệm sữa học đường TH School MILK trên 3.600 trẻ em trong 9 tháng, đã xác nhận: Sữa học đường tươi sạch góp phần giảm đáng kể tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân và cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu, thiếu kẽm và thiếu vitamin ở lứa tuổi vàng.