Các mô hình tham khảo về Chương trình Sữa học đường trên thế giới:
Anh: Tất cả học sinh uống sữa, không uống nước có đường
Năm 2015, Bộ Giáo dục của Anh đã công bố một tiêu chuẩn thực phẩm mới trong đó yêu cầu tất cả học sinh tại các trường công của nước này phải uống sữa, giảm uống nước hoa quả và cấm hoàn toàn đồ uống có đường trong khẩu phần ăn ở trường. Đây là một phần trong chiến dịch bài trừ những thói quen ăn uống không lành mạnh cho sức khỏe. Quy định mới này có hiệu lực từ tháng 1 năm nay bắt buộc các trường phải cung cấp sữa tươi ít béo (sữa tách béo) cho tất cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở, ít nhất là 1 bữa/ ngày.
Kể từ năm 1946, những học sinh mầm non dưới 5 tuổi được uống sữa miễn phí. Có thể nói, chương trình sữa học đường ở Anh đã được thực hiện cách đây rất lâu, nhằm khuyến khích trẻ em phát triển thói quen tiêu thụ sữa và các sản phẩm sữa. Các sản phẩm sữa học đường ở Anh được trợ cấp nên được bán rẻ hơn giá thị trường. Tuy nhiên, sữa học đường cũng phải tuân theo những quy chuẩn nghiêm ngặt, chẳng hạn phải có tới 90% là sữa tươi và lượng đường hoặc mật ong (nếu có) không được vượt quá 7%; Sữa không có lactose hoặc đã được giảm lactose; Sữa tươi tiệt trùng. Mỗi ngày, các học sinh sẽ được uống khoảng 250ml sữa…
Mỹ: Sữa học đường được đưa vào luật
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, 20 – 40% chiều cao của con người được quyết định bởi những yếu tố bên ngoài như chế độ dinh dưỡng, trong đó thói quen uống sữa đóng vai trò quan trọng. Tháng 6.1940, chính phủ liên bang đã phát động một chương trình sữa học đường có trợ cấp ở Chicago. Chương trình trên chỉ hạn chế ở 15 trường tiểu học với tổng số 13.256 học sinh. Đây là những trường nằm ở khu vực thu nhập thấp của thành phố. Cha mẹ học sinh chỉ phải trả 1 xu để mua khoảng 250ml sữa, học sinh nghèo được cung cấp miễn phí. Chi phí này do các nhà quyên góp chi trả. Sau đó vài tháng, một chương trình tương tự cũng được bắt đầu ở New York với 123 trường tham gia. Sự thành công của chương trình sữa học đường ở hai thành phố trên đã gây được tiếng vang và được nhân rộng ra khắp các thành phố lớn và vùng lãnh thổ khác trên toàn nước Mỹ.
Mới đây nhất, hồi tháng 5.2015, để cải thiện tình trạng tiêu thụ sữa đang giảm đi tại các trường học tại Mỹ, nghị sỹ Thompson đã trình Quốc hội dự thảo Luật Dinh dưỡng sữa học đường 2015. Nguồn gốc ra đời của dự thảo trên là do các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ đề xuất rằng, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học và người lớn nên tiêu thụ 3 phần sữa hoặc các sản phẩm sữa khác hàng ngày, trong đó 2,5 phần được đề nghị cho trẻ em dưới 9 tuổi. Theo dự luật, các trường sẽ cung cấp cho học sinh nhiều loại sữa các nhau, từ sữa tươi nguyên chất, sữa tươi có thêm hương vị đến sữa tươi ít béo, sữa tươi không có lactose…Bộ Nông nghiệp cũng được kéo vào cuộc và phải làm các báo cáo về xu hướng tiêu thụ sữa trong nhà trường. Hiện nay, chiều cao trung bình của người Mỹ vào khoảng 1m78.
Nhật Bản: Tập thói quen tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa cho học sinh
Trong lịch sử, chính phủ Nhật Bản luôn coi trọng các gakko-kyushoku (bữa ăn trưa ở trường) vì đây là công cụ quan trọng cung cấp cho trẻ nhỏ lượng đạm, vitamin và canxi cần thiết hàng ngày. Hầu hết các trường cấp 1 ở đất nước mặt trời mọc đều cung cấp bữa ăn này cho học sinh, giúp các em hiểu về bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cũng như thói quen và cách thức ăn uống. Thông thường, các học sinh tiểu học được yêu cầu uống một cốc sữa vào bữa trưa ở trường.
Hồi những năm 1980, báo chí Nhật Bản bắt đầu đưa tin về sự thiếu hụt canxi trong chế độ ăn của trẻ em. Năm 1998, Bộ Giáo dục đã phải ra một bản báo cáo về tình trạng khẩu phần ăn nghèo nàn của học sinh ở nhà, nhấn mạnh đến việc thiếu hụt canxi đã làm ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như thể lực của học sinh ở trường. Chính phủ sau đó đã chính thức yêu cầu các trường học phải cải thiện lượng canxi hàng ngày cho trẻ, khuyến khích tăng sử dụng các sản phẩm từ sữa như sữa chua, sữa tươi trong các bữa ăn ở trường. Thậm chí, năm 2005, Nhật Bản đã thông qua luật Shokuiku (luật giáo dục kiến thức về thực phẩm) nhằm nâng cao hiểu biến về chế độ dinh dưỡng và những thực phẩm lành mạnh trong đó có sữa tươi để nâng cao thể chất, trí lực của người dân xứ sở hoa anh đào.
Nhờ việc đẩy mạnh chương trình sữa học đường, người Nhật ngày nay không còn chịu biệt danh “Nhật lùn” khi mà chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản hiện nay đã lên đến mức 1,715m.
Thái Lan: Học sinh uống sữa, ngành sữa được nhờ
Chương trình Sữa học đường được Thái Lan phát động cách đây hơn 30 năm và do nhà vua đứng ra chỉ đạo đã có những kết quả thành công đáng tự hào. Đến nay, chiều cao của trẻ em Thái Lan đã tăng được gần 5cm so với chuẩn.
Năm 1985, chính phủ Thái Lan quyết định thành lập Ban Chiến dịch uống sữa toàn quốc, bắt nguồn từ việc nông dân Thái Lan biểu tình hồi năm 1984 do không bán được sữa. Một chương trình thí điểm đã được thực thi ở một số khu vực tại Bangkok và Chiangmai, theo đó các bậc phụ huynh có thể mua sữa tươi bằng phiếu hàng tháng cho các con học mầm non và tiểu học với giá giảm 25% so với mức thông thường. Đây chính là tiền thân của Chương trình sữa học đường quốc gia Thái Lan ngày nay với 100% học sinh tại các trường công được uống miễn phí 200 ml mỗi ngày.
Ngành chế biến sữa cũng nâng sản lượng chóng mặt, từ 290 triệu lít sữa mỗi năm vào đầu những năm 1990 lên tới hơn 1 tỷ lít sữa vào năm 2003. Sữa học đường thực sự rất quan trọng đối với thị trường sữa Thái Lan vì nó chiếm tới hơn 30 % thị trường sữa lỏng nước này. Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Thái Lan vào khoảng 167.5 cm.
Về Sữa học đường thế giới:
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), chương trình sữa học đường đã được triển khai trên 60 quốc gia trên thế giới. FAO đã phát động ngày Sữa học đường Thế giới vào tháng 9 hàng năm để đẩy mạnh nhận thức về tầm quan trọng của sữa học đường..