Sữa học đường ‘chảy ngược’ lên non, len lỏi vào những vùng hẻo lánh và hiểm trở nhất. Đặc biệt, càng là vùng khó thì trẻ em được uống sữa học đường càng nhiều.
Sự lạ ở Nghệ An
Tại Hội thảo hướng dẫn triển khai chương trình Sữa học đường do Bộ GD-ĐT tổ chức, những chia sẻ của Sở GD-ĐT Nghệ An về kinh nghiệm triển khai sữa học đường đã khiến cả hội trường kinh ngạc.
Trong khi các tỉnh và chính Bộ GD-ĐT còn kêu khó về vấn đề kinh phí triển khai chương trình Sữa học đường, nhất là ở vùng núi, vùng sâu vùng xa thì ở Nghệ An, càng là vùng khó, học sinh lại tham gia uống sữa học đường càng đông. Nhìn vào bảng thông kê mà Nghệ An công bố, 10/21 huyện thị có tỉ lệ học sinh tham gia chương trình Sữa học đường từ 80-94% đều là huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, những nơi mà cái đói, cái nghèo vẫn còn dai dẳng.
Học sinh tiểu học huyện Đô Lương với niềm vui uống sữa học đường
Ghi nhận về kết quả chương trình Sữa học đường tại Nghệ An, Bộ GD-ĐT đánh giá: “Điểm nhấn đặc biệt của tỉnh Nghệ An là triển khai cơ chế hỗ trợ 100% chi phí uống sữa cho học sinh nghèo, 50% cho học sinh cận nghèo và hỗ trợ mức hợp lý cho học sinh bình thường. Cơ chế này giúp học sinh các huyện nghèo, các xã 135 được thụ hưởng dinh dưỡng học đường như các học sinh khác. Trong đó không ít điểm trường, đơn vị cung ứng sữa phải vác bộ, gùi sữa hoặc chèo ghe ngược suối đưa sữa vào cho học sinh”.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, PGĐ Sở Y tế Nghệ An cho biết: Trong năm học 2016-2017, hơn 311.000 học sinh mẫu giáo, mầm non tại Nghệ An được uống sữa 5 ngày/tuần. Trong đó hơn 100.000 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được hưởng lợi từ chương trình. Tổng chi phí uống sữa và vận hành đề án là hơn 317 tỷ đồng. Phụ huynh đóng góp mua sữa là hơn 164 tỷ đồng, UBND tỉnh hỗ trợ 15 tỷ đồng. Hơn 138 tỷ đồng còn lại đến từ đơn vị đồng hành cùng chương trình Sữa học đường – Tập đoàn TH.
Kết thúc năm học, tỉ lệ học sinh bị suy dinh dưỡng thấp còi ở cả lứa tuổi mầm non và tiểu học đều giảm mạnh, đạt xấp xỉ 3%, cao hơn mức giảm trung bình tại các trường chưa triển khai chương trình từ 0,7-1,1%.
Trên thực tế, cơ chế hỗ trợ nhân văn đang triển khai ở Nghệ An là do bà Thái Hương, chủ tịch Tập đoàn TH đề xuất.
Bà Thái Hương cho biết: “Tôi đã không ngừng chia sẻ, chúng ta hãy xem xã hội là người mẹ. Cả nước hiện có hơn 11 triệu học sinh mẫu giáo, tiểu học, trong đó chỉ có trên 1 triệu em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Người mẹ xã hội phải coi đó là những đứa con của mình, dù có khó khăn muôn vàn cũng phải dành cho các em những gì tốt đẹp nhất. Hãy giang tay đưa sữa học đường tới với các con”.
Sự ‘giàu có’ từ trái tim người mẹ
Sự giàu có về sữa học đường ở vùng khó Nghệ An, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, thầy cô và phụ huynh học sinh còn là tâm huyết của một ‘người mẹ xã hội’ – bà Thái Hương.
Bà Thái Hương chia sẻ quá trình đồng hành làm Sữa học đường
Trái tim người mẹ của người đàn bà sữa Việt Nam thổn thức trước cảnh trẻ em Việt Nam phải kiễng chân, ngước nhìn bạn bè thế giới và điều đó đã thôi thúc bà hành động.
Bắt đầu từ ly sữa tươi sạch trên đồng đất Việt Nam, người mẹ ấy quyết tâm ‘cày cấy’ một cánh đồng tầm vóc Việt. Không có kinh nghiệm, bà mời chuyên gia dinh dưỡng người Pháp và Viện Dinh dưỡng Việt Nam vào cuộc, nghiên cứu lâm sàng trên 3.600 trẻ em, tạo ra một sản phẩm từ nguồn nguyên liệu sữa tươi ngon nhất, bổ sung vi chất phù hợp với nhu cầu thực tế và thể trạng của trẻ em Việt Nam. Ly sữa học đường TH School MILK ra đời từ tình yêu, sự quan tâm tới cả một thế hệ tương lai như thế.
Không chỉ là sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em thông qua nghiên cứu lâm sàng, TH School MILK còn giành giải Sáng kiến tốt nhất về sức khỏe học đường ở hội chợ quốc tế Gulfood, Dubai tháng 2/2016.
Làm ra ly sữa học đường tốt nhất thôi chưa đủ, bà Thái Hương và tập đoàn TH còn là những nhân tố tích cực nhất ủng hộ Chương trình quốc gia về Sữa học đường.
Bà và Tập đoàn TH đã đóng góp vào Chương trình quốc gia về Sữa học đường trên cả 3 phương diện: xây dựng Quy chuẩn sữa học đường (tiên phong nghiên cứu lâm sàng, cho ra đời sữa tươi học đường TH school MILK); có các sáng kiến về cơ chế hỗ trợ sao cho học sinh nghèo/cận nghèo có thể uống sữa học đường; có các giải pháp huy động tài chính cho trẻ em nghèo/cận nghèo uống sữa thông qua Tài khoản Sữa học đường- Vì tầm vóc Việt.
Theo đại diện của Sở GD-ĐT Nghệ An, ‘chảy ngược’ lên non, len lỏi về vùng hẻo lánh và hiểm trở nhất không thể không kể đến nỗ lực cung ứng sữa, vận hành chương trình của Tập đoàn TH. TH sẵn sàng chịu gấp 4 lần chi phí vận chuyển để đưa bằng được sữa học đường tới những điểm trường xa xôi nhất.
“Trong 2 năm học vừa qua, trên khắp tỉnh Nghệ An, những ly sữa học đường của TH đã vượt núi cao, rừng sâu tới những bản làng xa xôi nhất. Từ những điểm trường chính, các nhân viên TH, phụ huynh học sinh và cả các thầy cô giáo gùi từng thùng sữa vào trường học để bất cứ học sinh nào đăng ký tham gia chương trình đều có sữa uống đều đặn. Tôi có thể tự hào về những cam kết của TH đã được thực hiện triệt để ở những vùng khó khăn”, bà Thái Hương chia sẻ.
Doanh nhân ‘làm sữa với trái tim người mẹ’ Thái Hương cho biết bà sẵn sàng đồng hành cùng các tỉnh thành, giúp các tỉnh đạt mục tiêu cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em theo đúng lộ trình mà Chính phủ đặt ra theo Quyết định 1340/QĐ-TTg. Và bà đặt niềm tin, từ sự tiên phong của TH, sẽ ngày càng nhiều các doanh nghiệp, nhà hảo tâm sẵn sàng trở thành ‘bà mẹ xã hội’ mang sữa học đường tới cho trẻ em Việt Nam. |
Theo Thương hiệu và Công luận