Hơn 2.000 tỷ đồng triển khai chương trình ‘Sữa học đường’ giai đoạn 2018 – 2020

(Baonghean.vn) – Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Đề án triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2018 – 2020.

Chiều 11/10, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Minh Thông – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã họp và cho ý kiến về Dự thảo: Tờ trình UBND tỉnh và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về việc triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2020.

Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu và chủ trì cuộc họp. Ảnh: Mỹ Hà
Đồng chí Lê Minh Thông chủ trì cuộc họp. Ảnh: Mỹ Hà

Từ năm 2015 – 2016, Nghệ An đã triển khai thí điểm Chương trình Sữa học đường tại ba huyện, thị là Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn và thành phố Vinh. Đến năm 2016 – 2017, chương trình tiếp tục thí điểm mở rộng tại 21/21 huyện, thành thị  với 311.733 học sinh tại các trường mầm non và tiểu học tham gia (đạt tỷ lệ 69%). 

Tổng kinh phí triển khai đề án thí điểm trong năm học 2016 – 2017 là gần 318 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn TH hỗ trợ 138 tỷ đồng, phụ huynh đóng góp mua sữa là 164 tỷ đồng và tỉnh Nghệ An hỗ trợ 15 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đôc Sở Y tế báo cáo về dự thảo đề án Chương trình Sữa học đường. Ảnh: Mỹ Hà
Đồng chí Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế báo cáo về dự thảo đề án Chương trình Sữa học đường. Ảnh: Mỹ Hà

Từ những kết quả đã đạt được, tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Thông khẳng định: Chương trình Sữa học đường là một chương trình nhân văn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thể trạng cho học sinh tỉnh nhà.

Từ thành công ban đầu này, đồng chí cho rằng việc triển khai, mở rộng chương trình trong giai đoạn 2018 – 2020 là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tờ trình về đề án được thông qua tại Kỳ họp HĐND sắp tới, đồng chí yêu cầu Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn TH cần phải bàn kỹ các nội dung. Trong đó, chú trọng đến việc cân đối chi phí để làm sao chương trình đến được nhiều đối tượng.

Hoc sinh Nghệ An tham gia Chương trình Sữa học đường. Ảnh: tư liệu
Hoc sinh Nghệ An tham gia Chương trình Sữa học đường. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai đề án, các đơn vị liên quan cần kịp thời nắm bắt các nhu cầu thực tế từ cơ sở để sớm khắc phục những tồn tại, đặc biệt là những khó khăn xung quanh vấn đề vận chuyển, bảo quản sữa, công tác thanh, quyết toán ở các đơn vị. Trước mắt, quan điểm của tỉnh đề án sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2018 – 2020.

Theo dự thảo đề án, tổng kinh phí Chương trình Sữa học đường triển khai trong giai đoạn 2018 – 2020 sẽ là hơn 2.110 tỷ đồng và mục tiêu đến năm 2020, 100% học sinh ở các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn được uống sữa.

Cụ thể, kinh phí mỗi năm sẽ là khoảng 703 tỷ đồng, trong đó, phụ huynh học sinh đóng góp 409 tỷ, UBND tỉnh cấp 10% phần còn lại ngoài nguồn đóng góp của phụ huynh (không quá 15 tỷ đồng), nguồn xã hội hóa là khoảng 279 tỷ đồng.

Kinh phí của tỉnh sẽ được dùng để chi cho hỗ trợ mỗi giáo viên chủ nhiệm 100.000 đồng/tháng, hỗ trợ cho công tác quản lý chương trình tại trường học 300.000 đồng/tháng và hỗ trợ công tác quản lý tại Phòng Giáo dục và đào tạo là 2.000.000 đồng/tháng/phòng.

Chương trình miễn phí 100% chi phí sản phẩm sữa đối với học sinh mầm non và tiểu học thuộc diện hộ nghèo, con  thương binh, con liệt sỹ, trẻ tàn tật, trẻ mồ côi tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội. Đối tượng cận nghèo được hỗ trợ 50%; đối tượng còn lại đóng góp 70% chi phí sử dụng sản phẩm sữa.

Theo Báo Nghệ An