Thiếu quy chuẩn, phụ huynh lo con em uống sữa kém chất lượng

Suốt một thời gian dài, do những quy định thiếu thực tế, dễ bị lợi dụng để “đánh lận con đen”, nhiều sản phẩm sữa tươi uống liền trong nước khiến người tiêu dùng lạc vào “mê hồn trận”.

Mới đây, dư luận lại không ngớt chỉ trích về việc chậm chễ xây dựng quy chuẩn sữa học đường (SHĐ) của Bộ Y tế khiến nhiều trường học cho các đơn vị cung cấp sữa cho trẻ, nhưng hoàn toàn không biết chất lượng sữa đó có đảm bảo tiêu chuẩn để đáp ứng các nhu cầu sức khỏe của trẻ hay không, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Vẫn… chuẩn bị ban hành quy chuẩn sữa

Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Quyết định số 641/QĐ-TTg – còn gọi là Đề án 641). Tháng 7.2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường (SHĐ) cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, trong đó Phó Thủ tướng chỉ đạo ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, quy định về định mức và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mục tiêu của chương trình hướng tới là đến năm 2020 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo, tiểu học trung bình 0,6%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo, tiểu học trung bình 0,7%/năm; tăng chiều cao trung bình của trẻ nhỏ tuổi nhập học (6 tuổi) lên 1,5 – 2 cm so với năm 2010.

Ngày 28.9.2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/BYTb về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ. Theo đó, các sản phẩm sữa tươi đã được quy định trong Quy chuẩn quốc gia (QCVN 5-1:2010/BYT) được sử dụng trong chương trình SHĐ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là quy định tạm thời, cho đến nay, dù chương trình SHĐ đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành và nhiều trường học đã áp dụng chương trình, nhưng nguồn sữa đến từ đâu, chất lượng cụ thể ra sao thì vẫn là bài toán nan giải.

Một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và công nghệ sinh học cho biết, trong khi chưa có quy chuẩn rõ ràng về sữa học đường thì nhiều trường học hiện nay tràn lan các sản phẩm sữa từ bên ngoài đưa vào. Nhà trường, phụ huynh học sinh không phân biệt được đâu là sữa phù hợp với độ tuổi của con em. Không ít địa phương vẫn đưa sữa bột pha lại hoặc sữa bột hoàn nguyên vào nhà trường khi triển khai Chương trình Sữa học đường.

Cụ thể như tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã phát hành hồ sơ mời thầu các đơn vị cung cấp sữa cho các trường học trong tỉnh với tiêu chuẩn là sữa tiệt trùng, nhưng bản chất sữa tiệt trùng được làm từ sữa bột, không phải sữa tươi nên không đáp ứng được các yêu cầu về thể chất của trẻ.

Sữa học đường hiện vẫn chưa có quy chuẩn rõ ràng dễ bị lập lờ đánh lận. Ảnh: P.V Cần sớm ban hành quy chuẩn sữa và SHĐ

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết: Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) đối với sản phẩm sữa trước đây Bộ NNPTNT dự định ban hành từ tháng 6.2016, nhưng do một số yêu cầu từ phía Bộ Y tế về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), nên phải điều chỉnh, bổ sung thêm. “Hiện tại, bộ Quy chuẩn về sữa đã được hoàn thiện và đang trình Bộ KHCN thẩm định. Nếu không có gì thay đổi, QCVN đối với sản phẩm sữa sẽ được ban hành sau 1-2 tháng nữa” – ông Tống Xuân Chinh cho biết.

Trước đó, đề cập về vấn đề quy chuẩn Việt Nam dành cho sản phẩm sữa, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Y tế phê duyệt, công bố QCVN dành cho sản phẩm sữa là sữa tiệt trùng nhưng thực chất lại là sữa hoàn nguyên gây rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản phẩm khi quảng cáo của doanh nghiệp.

Liên quan đến việc không rõ ràng, khiến người tiêu dùng khó phân biệt các chủng loại sữa nước trên thị trường, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương và đại diện tập đoàn sữa TH True Milk hồi đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ NNPTNT lúc bấy giờ là ông Cao Đức Phát đã có chỉ đạo, yêu cầu Cục Chăn nuôi khẩn trương xây dựng văn bản để ban hành Quy chuẩn về sữa tươi nguyên liệu trong tháng 6.2017.

Đặc biệt, liên quan đến chương trình SHĐ theo ước tính sẽ cần từ 4.000-5.000 tỉ đồng/năm để thực hiện hỗ trợ khoảng 12 triệu học sinh mầm non và cấp tiểu học khi thực hiện chương trình. Một số ý kiến cho rằng, cần phải xã hội hóa nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó huy động đóng góp từ việc mua sữa của các bà mẹ, ngân sách (trung ương và địa phương) và cộng đồng xã hội…

Về phía Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đơn vị được giao nhiệm vụ đưa ra tiêu chuẩn và chứng nhận hợp quy với sản phẩm sữa – khẳng định: Thời gian tới sẽ bãi bỏ khái niệm sữa tiệt trùng để thay thế bằng hai khái niệm sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT). Đây là quy chuẩn có khái niệm sữa tiệt trùng dùng để chỉ loại sữa dạng lỏng làm chủ yếu từ sữa bột nhập khẩu, tồn tại trong suốt 5 năm qua, khiến người tiêu dùng Việt Nam không phân biệt được các loại sữa trên thị trường. Tên gọi này được dùng ghi lên hộp sữa bán ra khiến người dùng lâu nay không phân biệt được đâu là sữa tươi hay pha ra từ sữa bột, ảnh hưởng đến quyền được minh bạch thông tin, thiếu cơ sở lựa chọn đúng sản phẩm.

Theo bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, hiện nay quy chuẩn SHĐ vẫn chưa được ban hành chính thức, dẫn tới sữa đưa vào trường học mạnh ai nấy làm và không đảm bảo các tiêu chí khoa học. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy chuẩn SHĐ. Doanh nghiệp sữa nào đưa sữa vào trường học cũng được, nhưng phải đảm bảo các quy chuẩn để trẻ em thực sự được thụ hưởng dinh dưỡng tốt nhất cho lứa tuổi.

Theo một dự thảo mới nhất về quy chuẩn SHĐ, Bộ Y tế đã xây dựng chuẩn SHĐ theo hướng sản xuất từ sữa tươi nguyên chất hoặc sữa tươi bổ sung các vi chất dinh dưỡng phù hợp với sự hấp thu của trẻ. Sau khi Bộ Y tế ban hành quy chuẩn về SHĐ, không chỉ TH True Milk mà bất cứ doanh nghiệp nào đủ điều kiện cũng có thể đấu thầu tham gia chương trình SHĐ. Tuy nhiên, trước vấn nạn là “ma trận” các loại sữa trên thị trường hiện nay, theo bà Thái Hương, cần có dán nhãn riêng cho SHĐ để người tiêu dùng dễ nhận diện.

 

Theo Lao động