"Tôi không thể quên hình ảnh học sinh của mình trong ngày đầu tiên được uống sữa học đường. Có em cầm hộp sữa, loay hoay mãi chưa uống. Hỏi ra mới biết, em không biết làm như thế nào vì trước đó chưa từng được uống sữa. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tất cả giáo viên không ai nói câu nào, chỉ lẳng lặng nhìn nhau và rơm rớm nước mắt”.
Đó là câu chuyện đầy ám ảnh của cô Lê Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn (Nghệ An) – khiến chúng ta không khỏi trăn trở: Bao giờ học trò nghèo mới được uống những ly sữa ngọt lành?
Mong có một đề án để học sinh nghèo được uống sữa!
Trường tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn là trường trung tâm của huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Huyện mới chia tách thành lập, điều kiện kinh tế khó khăn, dân cư sống chủ yếu làm nông nghiệp, nhiều hộ là dân tộc thiểu số nghèo. Học sinh trong trường, số ở trung tâm thị trấn chỉ chiếm một nửa, còn lại là học sinh các xã lân cận.
“Tại địa bàn này, phụ huynh có điều kiện đủ để phục vụ cho con em ăn học bình thường đã khó, nói gì đến con em được uống sữa hàng ngày. Có nhiều em từ bé cho đến khi học lên Tiểu học chưa hề biết hộp sữa là gì, nói gì đến việc được uống sữa!"- cô Yến bày tỏ
Vì thế, cô Yến nhớ như in ngày 24/10/2013, khi lần đầu tiên 623 học sinh của trường được uống sữa tươi học đường – Chương trình phối hợp giữa Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Tập đoàn TH. Khỏi nói, phụ huynh và giáo viên trong trường mừng đến như thế nào, xúc động như thế nào khi nhìn những gương mặt học sinh rạng rỡ, háo hức khi đến giờ uống sữa.
"Mỗi ngày, học sinh trong trường được uống 2 hộp vào các giờ giải lao buổi sáng và buổi chiều, uống từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Sau một thời gian uống sữa, sức khỏe của các em tăng lên rõ rệt, đặc biệt là chiều cao và cân nặng, tỉ lệ trẻ thấp còi giảm hẳn. Học sinh hoạt bát, nhanh nhẹn và hứng thú học tập hơn, chất lượng học tập được nâng lên. Phụ huynh phấn khởi khi thấy con em mình ngày càng thay đổi. Những người làm giáo dục như chúng tôi còn mong gì hơn thế" – cô Lê Hải Yến chia sẻ.
Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn là một trong số 15 trường đóng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) được thụ hưởng chương trình Sữa học đường do Tập đoàn TH cấp miễn phí trong suốt năm học 2013-2014. Khẳng định của thầy Nguyễn Văn Đức – Trưởng phòng GD&ĐT Nghĩa Đàn: “Sau khi theo dõi quá trình uống, đặc biệt học sinh mầm non ăn uống khỏe hơn, giảm nhiều tỷ lệ suy dinh dưỡng trong một năm. Giáo viên, phụ huynh đón chào rất nồng nhiệt”.
Cũng giống như các cán bộ quản lý, thầy cô giáo, phụ huynh tại Nghĩa Đàn, thầy Nguyễn Văn Đức bày tỏ mong mỏi có một Đề án về Sữa học đường để học sinh, không chỉ ở Nghĩa Đàn, được uống sữa lâu dài hơn, khoa học hơn: "Đây là một đề án vô cùng nhân văn, tuy nhiên chúng tôi cũng biết kinh phí là một khó khăn lớn. Do đó, bên cạnh sự quan tâm của nhà nước, rất cần sự chung tay, ủng hộ của các nhà hảo tâm và cả phụ huynh vì thế hệ tương lai, vì tương lai lâu dài của đất nước".
Cũng trăn trở bởi mong muốn học sinh nghèo được uống sữa, thầy Thái Huy Vinh – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An – chia sẻ: Chúng tôi rất mong mỏi học sinh được thụ hưởng Đề án Sữa học đường. Hiện ở Nghệ An, nhiều nơi vô cùng khó khăn, học sinh không có điều kiện được uống sữa; nơi có điều kiện hơn, nhà trường cho học sinh uống sữa một cách tự phát, không thể kiểm soát được nên cách quản lý không đảm bảo an toàn. Có Đề án Sữa học đường sẽ giải quyết được cả hai vấn đề trên.
Rất cần những tấm lòng
Hiện nay, Đề án Sữa học đường đã bắt đầu được triển khai ở Nghệ An nếu triển khai Đề án trên toàn tỉnh, một năm kinh phí lên tới trên 400 tỷ đồng.
"Kinh phí để triển khai thực hiện chương trình rất lớn, do đó rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, sự chung tay ủng hộ, đóng góp của các doanh nghiệp và cộng đồng. Về phía Sở GD&ĐT, chúng tôi luôn chỉ đạo tích cực việc này vì đây là giải pháp rất tốt để nâng cao thể lực của học sinh" – thầy Thái Huy Vinh chia sẻ.
Riêng về chất lượng sữa, thầy Thái Huy Vinh cho rằng, việc cần thiết là phải ban hành ngay Quy định về tiêu chuẩn sữa học đường để đảm bảo sữa đưa vào trường học là sữa tốt nhất, góp phần phát triển thể lực, trí tuệ học sinh một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, khi có tiêu chuẩn quốc gia sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quản lý nhà nước và kiểm tra giám sát.
Khơi nguồn ý tưởng Đề án Sữa tươi học đường, từ tháng 11/2014 đến tháng 9/2015, Tập đoàn TH đã đồng hành cùng Bộ GD&ĐT tổ chức 4 đợt trao tặng sữa tươi sạch quy mô lớn như cứu trợ trẻ em vùng lũ tại Quảng Ninh, hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn tại Yên Bái; trao tặng 1 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo. Tổng số sữa mà tập đoàn TH tài trợ đã lên tới gần 17 triệu ly sữa tươi cho học sinh 49 tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam.
Thế nhưng, để đưa dinh dưỡng tới hàng triệu học trò nghèo ở mức “đủ” để uống sữa hàng ngày, thực sự cần sự chung tay mạnh mẽ của toàn xã hội. Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho biết đã đề xuất hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; phụ huynh và sự hỗ trợ của doanh nghiệp thông qua Quỹ Sữa học đường – Vì tầm vóc Việt.
Theo đó, học sinh mẫu giáo và tiểu học thuộc diện hộ nghèo, người có công sẽ được hỗ trợ uống sữa miễn phí (tài trợ 100%); học sinh thuộc diện hộ cận nghèo sẽ được tài trợ 50%; học sinh bình thường được tài trợ 30%. Với cơ chế này, tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận dinh dưỡng học đường, phát triển thể chất theo tinh thần đổi mới giáo dục.
“Chúng tôi sẽ làm Sữa học đường bằng cả tấm lòng và trái tim của người mẹ. Cá nhân tôi luôn trăn trở để những người mẹ nghèo nhất cũng có thể có được dinh dưỡng tốt nhất cho con mình” – Bà Thái Hương nhấn mạnh.
“Chồng tôi đau ốm. Thu nhập của tôi không đủ mua sữa cho con uống thường xuyên, thỉnh thoảng thương con thì mua vài hộp sữa ở cửa hàng. Tôi cũng mong con được uống sữa hàng ngày…” – Người mẹ nghèo Nguyễn Thị Thắm (xã Diễn Lộc, Diễn Châu, Nghệ An) chia sẻ khi con gái học lớp 2 khoe được uống sữa tại trường trong ngày khai giảng 5.9.2015.
"Chương trình Sữa học đường rất cần thiết, đặc biệt ở những vùng khó. Chúng tôi luôn mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, ngành, lãnh đạo và tập đoàn sữa TH true MILK, ủng hộ, quan tâm, tạo điều kiện để học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học được uống sữa học đường hàng ngày, góp phần nâng cao thể lực, phát triển trí tuệ cho thế hệ chủ nhân đất nước tương lai" – cô Lê Hải Yến.
Cần ban hành sớm tiêu chuẩn sữa học đường
Đó là khẳng định của GS.TS Lê Thị Hợp – Nguyên Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam.
GS.TS Lê Thị Hợp cho biết: Để nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 641/QĐ-TTg, trong đó có giải pháp về Sữa học đường. Tuy nhiên, tới thời điểm này, chương trình Sữa học đường chưa thể triển khai ở tầm quốc gia.
Tại hầu hết các tỉnh thành, một số trường mẫu giáo, tiểu học tổ chức việc uống sữa trong nhà trường một cách tự phát từ đóng góp của phụ huynh. Chất lượng sữa đưa vào nhà trường chưa được kiểm soát.
Nếu được kiểm soát chặt chẽ, sữa đưa vào nhà trường đảm bảo các tiêu chuẩn về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm thì hiệu quả đối với cải thiện tầm vóc cũng như trí lực của trẻ sẽ tốt hơn.
Hiếu Nguyễn
Bài đăng trên báo Giáo dục Thời đại số ra ngày 7.10.2015