Theo các chuyên gia chăn nuôi, sữa học đường phải là sữa tươi được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đảm bảo, được kiểm soát qua quy trình chăn nuôi và sản xuất sữa tươi khép kín. Việt Nam được đánh giá là có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sữa tươi nguyên liệu trong Chương trình Sữa học đường.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, sữa học đường phải là sữa tươi được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đảm bảo, được kiểm soát qua quy trình chăn nuôi và sản xuất sữa tươi khép kín.
Sữa học đường phải là sữa tươi theo tiêu chuẩn
Sữa học đường là hoạt động mang tính toàn cầu do Tổ chức nông lương Liên Hợp quốc (FAO) phát động từ năm 2000 và đã có 60 quốc gia hưởng ứng. Tại Việt Nam, dù nguồn ngân sách eo hẹp nhưng từ năm 2011, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; trong đó có Chương trình Sữa học đường quốc gia.
Sau hơn 5 năm ấp ủ, chương trình sữa học đường quốc gia chính thức được Chính phủ khởi động bằng việc ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg (phê duyệt Chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020) vào tháng 7/2016.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, do chưa có hành lang pháp lý nên việc chọn sữa cho trẻ không đồng nhất, dễ biến tướng. Nhiều vụ lùm xùm về chất lượng sữa học đường được phanh phui, gây hoang mang dư luận.
Và sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đến năm 2020”. Điểm nhấn đáng chú ý của Chương trình là quy định sử dụng sản phẩm sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng. Điều này nhằm tránh được “vết xe đổ” diễn ra nhiều năm trước.
Hiện nay, hầu hết các nước (trong đó có những nước không có truyền thống sản xuất sữa tại châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…) đều chọn sữa tươi – loại sữa giữ nguyên vẹn giá trị dinh dưỡng và bổ sung các vi chất cần thiết cho trẻ.
Tại Anh, ngay từ năm 1946, Chính phủ nước này đã thực hiện cho trẻ dưới 5 tuổi uống sữa miễn phí và ly sữa trong chương trình phải đạt tỷ lệ 90% là sữa tươi; đường hoặc mật ong (nếu có) không được vượt quá 7%. Năm 2015, Bộ Giáo dục Anh cũng quy định tất cả học sinh tại các trường công của nước này phải uống sữa, giảm uống nước hoa quả và cấm hoàn toàn đồ uống có đường để giảm béo phì.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, sữa học đường phải là sữa tươi được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đảm bảo, được kiểm soát qua quy trình chăn nuôi và sản xuất sữa tươi khép kín. Sản phẩm thực hiện Chương trình Sữa học đường phải là sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn về sữa học đường để tránh hiện tượng một số sản phẩm mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận công bố sản phẩm “sữa học đường” nhưng vẫn đưa vào sử dụng trong các trường học dưới tên gọi “sữa học đường” gây nhầm lẫn cho phụ huynh, học sinh.
Việt Nam có đủ nguồn nguyên liệu sữa tươi
Tuy nhiên, vừa qua Bộ Y tế đã có công văn 5454/BYT-ATTP về gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc sản phẩm sữa tham gia Chương trình Sữa học đường, trong đó có đặt vấn đề điều chỉnh lại quy định, chỉ sản phẩm sữa tươi mới được tham gia Sữa học đường theo hướng cho cả các sản phẩm sữa dạng lỏng cũng được tham gia chương trình này, với lý do sữa tươi trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Về vấn đề này, TS. Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, về năng lực cung cấp sữa tươi nguyên liệu, Cục Chăn nuôi đã làm một phép tính về nhu cầu của Chương trình Sữa học đường cũng như khả năng cung ứng của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước.
TS. Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 200ml sữa/ngày nhân với 260 ngày đến lớp nhân với khoảng 11 triệu học sinh mẫu giáo, tiểu học thì sản lượng sữa tươi nguyên liệu cần cho Chương trình Sữa học đường khoảng 587.000 tấn (587 triệu lít sữa). Dù chưa có bề dày truyền thống chăn nuôi bò sữa và không có lợi thế về đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên nhưng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, số đầu con tăng 7 – 10%/năm, sản lượng sữa tăng 15 – 17%/năm, cao nhất trong ngành chăn nuôi. Tính đến năm 2017, tổng đàn bò sữa cả nước đạt 302.000 con, sản lượng sữa 881.000 tấn (tương đương 881 triệu lít sữa).
"Triển vọng phát triển của ngành chế biến sữa tươi nguyên liệu trong nước vô cùng lớn khi Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ công nghiệp hóa ngành sữa hiện đại nhất khu vực. Hiện nay, chúng ta mới đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng sữa, sản phẩm sữa, vì vậy, dư địa cho phát triển chăn nuôi bò sữa còn rất lớn", TS. Tống Xuân Chinh khẳng định.
Năm 2018, dự kiến sản lượng sữa nguyên liệu đạt trên 960.000 tấn (960 triệu lít), con số này đến năm 2020 là 1 triệu tấn (1 tỷ lít sữa tươi) và hoàn toàn có thể đạt được, hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, theo TS. Tống Xuân Chinh. "Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sữa tươi nguyên liệu trong Chương trình Sữa học đường", ông Chinh khẳng định.
Nói về tiềm năng của lĩnh vực sản xuất sữa tươi ở Việt Nam, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu đề ra là sản xuất một tỷ lít sữa tươi nguyên liệu vào năm 2020.
"Trong những năm gần đây, nước ta đã có một ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghiệp hiện đại bậc nhất vùng Đông Nam châu Á mà đứng đầu là TH True Milk, Mộc Châu, Vinamilk… Hệ thống doanh nghiệp sữa sẽ là đầu tầu quan trọng thiết lập liên kết sản xuất chăn nuôi bò sữa của nông dân và chế biến sữa theo chuỗi giá trị. Khi Chương trình sữa học đường đi vào hoạt động sẽ là động lực quan trọng để chăn nuôi và chế biến sữa tươi nguyên liệu trong nước phát triển lên một tầm cao mới xuất phát từ nhu cầu của thị trường về sản phẩm sữa có nguồn gốc từ sữa tươi nguyên liệu", ông Chinh khẳng định.
Tập đoàn TH hiện là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có kiểm nghiệm lâm sàng về sản phẩm sữa học đường; có sản phẩm sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH school MILK bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp, đang cung cấp cho Chương trình Sữa học đường ở Nghệ An.
Tại triển lãm Thực phẩm Thế giới lần thứ 27 – WorldFood Moscow 2018 vừa diễn ra ngày 17-20/9 vừa qua, sản phẩm TH school MILK của Tập đoàn TH đã ghi dấu ấn với giải Vàng “Sản phẩm xuất sắc của năm”.
TH là tập đoàn tiên phong đi đầu trong việc nghiên cứu, thử nghiệm sữa tươi công thức bổ sung vi chất dinh dưỡng cho lứa tuổi học đường. Đây là mô hình được phối hợp với Viện dinh dưỡng Quốc gia thực hiện tại 15 trường mẫu giáo và tiểu học với 3.600 trẻ thuộc huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An. Nghiên cứu này được đánh giá là nghiêm túc, khoa học và có triển khai những nhóm đối chứng minh bạch, có đánh giá khẩu phần và thiếu vi chất dinh dưỡng bằng xét nghiệm máu, vitamin A, kẽm và Hb trước và sau khi uống sữa.
Kết luận của nhóm nghiên cứu cho thấy Sữa tươi tiệt trùng Sữa học đường của Tập đoàn TH đã có hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, cụ thể là đã giảm được tỉ lệ thấp còi ở mẫu giáo; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thể gầy còm; cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu và thiếu kẽm ở học sinh tiểu học.
Theo Nhà đầu tư