Bữa ăn học đường – đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ

Độ tuổi học đường là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong chăm sóc dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời. Trong giai đoạn này, một nền tảng chăm sóc dinh dưỡng tốt cùng chế độ luyện tập thể lực phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện cả về thể lực và trí lực. Mặt khác, những kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng hình thành ở giai đoạn này sẽ được duy trì bền vững, ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của trẻ.

Các quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ, Anh… đều có chương trình bữa ăn học đường với những quy định rất cụ thể về nhu cầu dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm giúp trẻ phát triển tối đa. Ở Nhật Bản, bên cạnh bữa ăn học đường cân bằng hợp lý, trẻ còn được giáo dục dinh dưỡng để có thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh. Tuy nhiên, tại nhiều trường học ở Việt Nam, hầu hết các bữa ăn thường mới chỉ chú trọng đảm bảo ăn no và ăn ngon miệng chứ chưa đáp ứng được các yêu cầu về một bữa ăn đầy đủ vi chất và cân đối. Nghiên cứu theo dõi chiều sâu về sự phát triển trẻ em ở nước ta cho thấy: mức tăng cân của trẻ sau 3 tháng đầu đời kém hơn so với tiêu chuẩn quốc tế; sự thua kém biểu hiện cao nhất ở hai thời kỳ: từ 6-12 tháng và 6-11 tuổi (lứa tuổi tiểu học). Do chậm phát triển, nên chiều cao thanh niên Việt Nam hiện nay thua kém tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực. Ngoài ra, tố chất thể lực, nhất là sức bền và sức mạnh của người Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế.

sua hoc duong My (3)

Sữa học đường tại Mỹ

Trước thực trạng này, Viện Dinh dưỡng đã xây dựng mô hình thí điểm chương trình Bữa ăn học đường tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… và sẽ tiếp tục nhân rộng trong cả nước, nhằm xây dựng một chế độ dinh dưỡng học đường cân đối và hợp lý, giáo dục ý thức học sinh về giá trị và lợi ích của các loại thực phẩm đối với sức khỏe cũng như ý thức tự phục vụ trong bữa ăn. Đây là một trong những chương trình nằm trong Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030.

4-fd901

Bữa ăn bán trú của trẻ em Nhật Bản không thể thiếu sữa tươi.

Theo tiêu chuẩn chung, thực đơn bán trú cho trẻ mẫu giáo và tiểu học không được lặp lại trong 4 – 8 tuần. Mỗi thực đơn phải có trên 10 loại thực phẩm, đa dạng về nguồn thực phẩm, hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn (xúc xích, lạp sườn, giò, chả…). Một bữa ăn hợp lý và đủ chất cần có sự kết hợp của nhiều nhóm thực phẩm cung cấp chất bột đường, chất đạm, các vitamin và chất khoáng khác với tỉ lệ cân đối; có sự phối hợp của cả nguồn đạm động vật và thực vật, chất béo động vật và dầu thực vật. Hàm lượng muối <= 2g/học sinh/bữa trưa và đường <= 6g/học sinh/bữa trưa cho trẻ. Với bữa phụ, tiêu chuẩn dinh dưỡng chỉ ra sữa và các chế phẩm từ sữa cần là thực phẩm chính. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự phân bố dinh dưỡng hợp lý giữa các bữa ăn ở nhà và ở trường của trẻ. Và để cơ thể khỏe mạnh và chuyển hóa các chất tốt nhất, trẻ cũng cần uống đủ lượng nước 1-1,5 lít mỗi ngày, hạn chế uống các loại nước ngọt, nước có ga đóng chai.

Dựa vào những thông tin trên, các bậc cha mẹ hãy lưu ý khi chuẩn bị bữa ăn cho con để trẻ em có một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết nhất nhé!