“Barie” nào cho sữa học đường?

Nhà bếp pha sữa bột vào xô, vào xoong rồi đi từng lớp múc sữa cho trẻ. Số lượng thế nào, liều lượng pha ra sao, chất lượng sữa có đảm bảo hay không… đều là những câu hỏi bỏ ngỏ mà phụ huynh không thể biết và đương nhiên cơ quan chức năng cũng không thể giám sát. Đó là thực trạng tại nhiều địa phương đang thực hiện cho trẻ “uống sữa thương mại trong trường học” chứ chưa thực sự triển khai Chương trình Sữa học đường.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường, trong đó nêu giải pháp sử dụng sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng để đảm bảo can thiệp dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực con trẻ. Nhưng đến nay mỗi địa phương vẫn làm một kiểu do chưa nắm rõ yêu cầu về tiêu chuẩn sữa học đường. Thậm chí nhiều nơi còn cho trẻ nhỏ uống cả “thực phẩm dinh dưỡng” thay cho sữa.

Pha sữa bằng… xoong nồi

“barie” nao cho sua hoc duong? hinh anh 1

Tại các trường ở một số địa phương hiện triển khai chương trình “Sữa học đường” bằng sữa bột pha lại.  (ảnh minh họa) Ảnh: T.V

Ngày 8.7.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1340, phê duyệt “Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”. Theo điểm a (giải pháp cơ chế chính sách) thuộc khoản 3, Điều 1 quyết định này nêu rõ: Ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường.

Theo tìm hiểu của PV, tại một số trường mầm non trên địa bàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang dùng sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng “T.G uống liền” của một doanh nghiệp ở quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội.

Để có thể cho trẻ uống sữa, các gói sữa bột này sẽ được pha lại bằng nước ấm, đựng trong xoong, nồi vừa nấu thức ăn cho trẻ. Nếu rửa nồi không sạch, mùi thức ăn vẫn còn lưu lại. Sau khi pha xong, bảo mẫu sẽ mang sữa tới từng lớp cho học sinh. Các bé được uống sữa trong ca, cốc mà việc cọ rửa chỉ được thực hiện qua loa.

Bà Phan Thị Hoa – chuyên viên phụ trách trường mầm non thuộc Phòng Giáo dục huyện Tân Yên cho biết: Khi đi tập huấn của Sở GDDT đều được hướng dẫn thực hiện cam kết và ký hợp đồng đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu các trường cho trẻ uống sữa thì sử dụng các hãng sữa đảm bảo chất lượng và có thương hiệu. Phòng Giáo dục của huyện cũng không bắt ép các trường sử dụng loại sữa nào, hàng ngày cũng phối hợp với trung tâm y tế huyện để kiểm tra các hãng sữa và giám sát việc cho con uống sữa. Việc sử dụng loại sữa nào là do nhà trường chọn.

Bà Hoa cũng cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 22 trường tổ chức cho trẻ uống sữa, có trường 1 tuần uống 1 bữa, có trường tuần uống 2 và trường có điều kiện thì uống 3 bữa/tuần, các loại sữa không thống nhất nhưng hầu hết là sữa bột pha lại kiểu thủ công như vậy, hoặc khá hơn thì cho trẻ uống sữa pha lại đóng hộp (sữa tiệt trùng).

Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Uyên – Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang) thừa nhận: “Do không đủ kinh phí, nên ở  Bắc Giang chưa triển khai Chương trình Sữa học đường cấp tỉnh, cha mẹ học sinh vẫn đóng 100% chi phí uống sữa cho con và các trường cũng tự lựa chọn các sản phẩm sữa chứ không theo bất cứ tiêu chuẩn nào. Cái này tế nhị, nhạy cảm nên Sở không có chỉ đạo bằng văn bản”.

Theo bà Uyên, chi phí uống sữa đã được thu thông qua thu tiền ăn hàng tháng. “Có nơi phụ huynh cũng tổ chức cho các con uống sữa buổi sáng nhưng chúng tôi không khuyến khích vì sữa rất đắt. Trước đó, có trường một tháng dùng hết mười mấy triệu tiền sữa. Cách đây vài năm, Sở còn có văn bản chấn chỉnh các trường mầm non cho uống sữa tràn lan trong hệ thống trường học rồi” – bà Uyên nói.

Chưa có sữa học đường, trẻ chịu thiệt

“barie” nao cho sua hoc duong? hinh anh 2

Các gói sữa bột được pha lại trong xoong, nồi vừa nấu thức ăn cho trẻ… Ảnh: I.T

Không chỉ Bắc Giang, nhiều tỉnh khác cũng triển khai Chương trình Sữa học đường bằng sữa bột pha lại. Chị Nguyễn T.T ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, con chị đi học được nhà trường sử dụng 3 loại sữa bột, các cô giáo thường pha loãng ra xoong rồi múc cho từng học sinh uống.

Theo số liệu của Bộ GDĐT, hiện nay trẻ em tuổi học đường của Việt Nam chiếm 1/3 dân số, trong đó lứa tuổi vàng là trẻ mầm non có trên 4,627 triệu em và tiểu học có 7,79 triệu em. Giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc thể lực và trí tuệ vì vậy cần phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ em trong giai đoạn này. Tuy nhiên, dù đã có chương trình sữa học đường nhưng mỗi địa phương lại triển khai một kiểu, dùng cả sữa bột, thực phẩm dinh dưỡng thay cho uống sữa.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), một số tỉnh còn sử dụng sữa bột pha lại hoặc các loại sữa không rõ nguồn gốc và các trường rất khó khăn trong việc nhận biết sữa có đạt chuẩn hay không.

Để giải quyết khó khăn này, ngày 28.9.2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, nhấn mạnh sữa tươi sử dụng trong chương trình phải đạt tiêu chuẩn QCVN 5:1-2010, trong đó có sữa tươi tiệt trùng. Tuy nhiên, do chưa biết, chưa triển khai Chương trình Sữa học đường quốc gia theo đúng tinh thần Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên đến nay ở mỗi địa phương lại sử dụng sữa khác nhau, thậm chí sử dụng cả thực phẩm dinh dưỡng thay cho sữa.

Theo Dân Việt