TTTĐ.VN – Đó là ý kiến của ông Tống Xuân Chinh- Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khi “hiến kế” để Chương trình Sữa học đường có thể triển khai nhanh chóng ở các tỉnh theo đúng lộ trình mà Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học tới năm 2020.
Ông Tống Xuân Chinh- Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)
– Trong Quyết định 1340/QĐ-TTg có nhấn mạnh giải pháp của Chương trình là sử dụng sữa tươi làm sữa học đường. Theo ông, khả năng đáp ứng của ngành sữa đối với giải pháp này là gì?
Việc sử dụng sữa tươi cho chương trình là hoàn toàn đúng đắn. Nhiều quốc gia đang triển khai Sữa học đường đều sử dụng sữa tươi. Có thể lấy ví dụ gần gũi nhất với chúng ta là Thái Lan. Chương trình hiện nay của Thái Lan cho tất cả học sinh mẫu giáo và tiểu học (hết lớp 6) uống sữa học đường 220 ml/ngày/học sinh và 260 ngày/năm/học sinh.
Ví dụ nếu nước ta áp dụng tiêu chuẩn sữa học đường tương tự Thái Lan: Chương trình hiện nay của Thái Lan cho tất cả học sinh mẫu giáo và tiểu học (hết lớp 6) uống sữa học đường 220 ml/ngày/học sinh và 260 ngày/năm/học sinh. Nếu Việt Nam thực hiện định mức như Thái Lan thì tổng kinh phí chi cho Chương trình sữa học đường dự toán như sau:
Định mức và đối tượng hỗ trợ: 3.755.000 trẻ mẫu giáo; 7.543.700 học sinh tiểu học; áp dụng định mức 220 ml sữa học đường/ngày/học sinh và uống 260 ngày/học sinh/năm. Với số lượng này thì tổng lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước cần dùng hàng năm để sản xuất sữa học đường là 587.532 tấn trong khi tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong năm 2015 là 723.153 tấn, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến sữa phục vụ Chương trình.
Thực tế khuyến nghị của VN chỉ uống ở mức 180ml/học sinh/ngày thì tổng lượng sữa tươi nguyên liệu chỉ hơn 400.000 tấn (400 triệu lít), VN hoàn toàn có thể dành ra lượng sữa này cho trẻ.
– Nếu Chương trình triển khai đúng lộ trình, tới năm 2020 100% trẻ em nghèo và 70% trẻ em các diện còn lại uống sữa học đường thì có ý nghĩa thế nào đối với ngành chăn nuôi bò sữa trong nước, thưa ông?
Với tính toán như trên thì tổng kinh phí chi cho mua sữa cho Chương trình khoảng 22.032 tỷ, tương đương 985,8 triệu USD, tương đương kim ngạch nhập nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa hàng năm của Việt Nam. Con số này rất có ý nghĩa đối với ngành chăn nuôi bò sữa, tạo việc làm cho nhiều nông dân và người lao động trong cả nước.
Học sinh mẫu giáo tại Nghệ An sử dụng sữa tươi học đường
Tuy nhiên, tính toán này cũng cho thấy nguồn lực phải chi để triển khai Chương trinh là rất lớn. Chương trình sữa học đường quốc gia sẽ phải có cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo xã hội hóa cao độ, để mọi cá nhân, tổ chức có thể chung tay cho một Chương trình sữa học đường vì tương lai tương sáng của trẻ em Việt Nam trong giai đoạn ngân sách nhà nước khó khăn.
– Khi triển khai Chương trình Sữa học đường, theo ông cần phải giải quyết những khó khăn gì?
Khi triển khai Chương trình Sữa học đường, nước ta sẽ gặp một số khó khăn cơ bản sau và cũng là những hoạt động ưu tiên cần phải được triển khai ngay là:
Xây dựng tiêu chuẩn sữa cho Chương trình học đường quốc: Trong đó phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sử dụng 100% sữa bò tươi nguyên liệu, có đường hay không có đường, nếu có đường thì phải quy định rõ lượng đường là mấy % để có lợi cho sức khỏe trẻ em; có bổ sung vi chất thiết yếu hay không?
Quy định định mức uống bao nhiêu ml/học sinh/ngày, bao nhiêu ngày trên năm; nhãn hiệu sữa học đường ra sao để phân biệt với sữa thông thường cùng loại;
Đối tượng thụ hưởng: Trong Quyết định của Thủ tướng quy định các cháu mẫu giáo và tiểu học. Tuy nhiên, cần quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế xã hội hóa để ngân sách nhà nước có thể bố trí và đảm bảo các đối tượng chính sách có thể được tập trung ưu tiên.
Ban hành chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước nhằm đảm bảo đủ số lượng và chất lượng sữa tươi nguyên liệu để cung cấp cho Chương trình sữa học đường, tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân và giảm phụ thuộc nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ nước ngoài.
– Về mặt quản lý nhà nước thì cần có các giải pháp gì để Chương trình đi đúng hướng, thưa ông?
Theo tôi, cần có giải pháp về công cụ giám sát, bao gồm thực hiện điều tra cơ bản tiền Chương trình để xây dựng chỉ số giám sát các mục tiêu và chỉ số của chương trình; xây dựng cơ sở dữ liệu và bộ công cụ giám sát và đánh giá về Chương trình, sử dụng phân mềm tích hợp trong web và điện thoại thông minh để giám sát Chương trình từ cộng đồng và xây dựng các trang web sữa học đường của quốc gia và từng tỉnh/thành;
Đàn bò sữa của TH true Milk hiện đang cung cấp sữa nguyên liệu chế biến sữa TH school milk cho chương trình Sữa học đường
Về chính sách thương mại, theo tôi cần xây dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn và mức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho những công ty sữa tham gia vào Chương trình. Đây là điểm mấu chốt để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp ngành sữa.
Về tổ chức thực hiện: Cần thành lập Ban chỉ đạo về sữa học đường từ Trung ương đến cấp huyện để chỉ đạo, điều hành và quản lý chương trình ở các cấp.
Trân trọng cảm ơn ông.
Theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ban hành tháng 7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, sữa sử dụng trong Chương trình Sữa học đường là sữa tươi. Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định số 5450/BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường.
Trước đó, từ năm 2013 Tập đoàn TH đã tiên phong nghiên cứu, kiểm nghiệm lâm sàng sữa tươi học đường bổ sung vi chất dinh dưỡng dựa theo tính toán khoa học (Canxi, Sắt, Kẽm, Magie, I-ốt, Axit Folic và hỗn hợp Vitamin A, C, D & nhóm B…) giúp thúc đẩy chiều cao, tăng cường thị lực và khả năng tập trung, phù hợp với lứa tuổi học đường. Kết quả cho thấy có sự cải thiện rõ rệt về thể lực, tầm vóc. Đây cũng là sản phẩm tươi sữa học đường duy nhất được Bộ Y tế xác nhận có hiệu quả trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em. |
Theo Tuổi trẻ thủ đô