Chờ quy chuẩn sữa học đường

Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 (Đề án 641) được phê duyệt từ năm 2011. Đến tháng 7.2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định 1340/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình sữa học đường, đồng thời ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường; quy định về định mức và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy vậy, do những quy định thiếu thực tế dẫn tới nhiều trường học cho các đơn vị cung cấp sữa cho trẻ nhưng hoàn toàn không biết chất lượng sữa đó có bảo đảm tiêu chuẩn hay không.

Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo Hướng dẫn triển khai chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Theo Quyết định số 5450/BYT quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường của Bộ Y tế, thì các sản phẩm sữa tươi được quy định trong Quy chuẩn quốc gia (QCVN 5-1:2010/BYT). Cụ thể, đó phải là sản phẩm sữa tươi, đạt tiêu chuẩn theo QCVN 5:1-2010. Đồng thời bổ sung vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất theo nghiên cứu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia). Tuy nhiên, đó cũng chỉ là quy định tạm thời. Đến nay, dù Chương trình đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố và nhiều trường học đã áp dụng, nhưng nguồn sữa đến từ đâu, chất lượng cụ thể ra sao thì vẫn là bài toán nan giải.

Việc chưa có quy chuẩn rõ ràng về sữa học đường dẫn tới các trường “mạnh ai nấy làm”. Nhà trường, phụ huynh học sinh không phân biệt được đâu là sữa phù hợp với độ tuổi của con em. Đơn cử như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát hành hồ sơ mời thầu các đơn vị cung cấp sữa cho các trường học trong tỉnh với tiêu chuẩn là sữa tiệt trùng, nhưng bản chất sữa tiệt trùng được làm từ sữa bột, không phải sữa tươi nên không đáp ứng được các yêu cầu về thể chất của trẻ.

Theo thống kê, hiện sản lượng sữa bò tươi sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu, do đó nhiều công ty đã nhập khẩu sữa bột pha lại, gọi là hoàn nguyên thành sữa nước để bán ra thị trường. Đáng nói là quy định, quy chuẩn dành cho sản phẩm sữa là sữa tiệt trùng nhưng mới chỉ ghi chung chung, dẫn tới rất khó phân biệt đâu là sữa tươi thực sự, đâu là sữa bột hoàn nguyên hay sữa hỗn hợp của cả hai loại sữa này, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều công ty sản xuất đã nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài về pha loãng và ghi “sữa tiệt trùng” rồi quảng cáo với những từ ngữ như “tươi ngon”, “nguyên chất” hay “thiên nhiên”. Cách làm này khiến người “quên” hoặc không biết bản chất thực sự của nguyên liệu.

Trước thực trạng đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ bãi bỏ khái niệm sữa tiệt trùng để thay thế bằng hai khái niệm sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT). Việc Bộ Y tế quy định lại nhãn sữa là một hình thức làm minh bạch thị trường sữa, tuy vậy, nếu không có nhãn mác riêng để nhận diện thì cũng vẫn rất khó để biết sữa nào đạt chuẩn.

Việc đưa ra quy định sữa vào trường học phải có nhãn mác riêng theo đúng tiêu chuẩn quốc gia là điều nên làm. Bên cạnh đó, cũng cần có tài liệu cẩm nang hướng dẫn triển khai Chương trình Sữa học đường trong trường học, trong đó có nội dung về tiêu chuẩn sữa tươi, nhận diện sản phẩm sữa, uống sữa học đường đúng cách, bảo đảm cho các trường triển khai hiệu quả.

Theo Đại biểu Nhân dân