Trẻ được bổ sung sữa giúp cải thiện chiều cao khoảng 0,4cm/năm

Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sáng có đối chứng trên trẻ em, bổ sung sữa đã giúp cải thiện chiều cao ở trẻ khoảng 0,4 cm/năm.

Sau đúng 1 năm QĐ số 1340/QĐ-TTg được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, hai bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Y tế đã phối hợp chính thức triển khai Chương trình sữa học đường“Hội thảo hướng dẫn triển khai Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” vừa được tổ chức tại Hà Nội hôm nay, 25/7, với sự tham gia của đại diện các trường học mẫu giáo, tiểu học, sở y tế… của 6 tỉnh, thành phố: TP. Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng và Nghệ An.

Đây được xem là màn khởi động sau 1 năm quyết định phê duyệt Chương trình Sữa học đường của Thủ tướng và sau 11 tháng Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực với tiêu chuẩn QCVN 5:1-2010.

anh-5.JPG

Theo TS. Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GDĐT – đơn vị chủ trì, đầu mối thực hiện Chương trình Sữa học đường, hiện số trẻ em tuổi học đường của Việt Nam chiếm 1/3 dân số, trong đó lứa tuổi vàng là trẻ mầm non có 4.627.316 em (trong đó số trẻ mẫu giáo là 3.978.521 em) và tiểu học có 7.790.009 em. Giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc thể lực và trí tuệ, là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì tiếp theo, đây là giai đoạn có sự biến đổi nhanh cả về thể chất và tâm lý, nhưng cũng là giai đoạn rất dễ bị tổn thương về dinh dưỡng. Vì vậy cần phải đảm bảo sự phát triển hoàn hảo về thể lực và trí tuệ – cơ sở để tiếp nhận và phát triển khoa học kỹ thuật, cho trẻ em trong giai đoạn này. 

anh-8.jpg

Theo kết luận của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sử dụng sữa tươi học đường bổ sung vi chất dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân giảm từ 1,5% tới 3%, gấp đôi tỷ lệ giảm thông thường. Tiến sĩ Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế – qua phân tích 7 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng và 5 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng trên trẻ em: Bổ sung sữa đã giúp cải thiện chiều cao khoảng 0,4 cm/năm. 

untitled.jpg

Tuy nhiên, theo ông Duy Anh, mặc dù hiệu quả của sử dụng sữa học đường và vấn đề nhận thức về tầm quan trọng của dinh dưỡng đều được nhà nước, nhà trường và cha mẹ chú trọng, song hiện chương trình này sau khi triển khai thí điểm ở 6 tỉnh thành, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là chưa có nguồn kinh phí riêng dành cho công tác dinh dưỡng học đường và Chương trình Sữa học đường. Hoạt động chủ yếu là phối hợp và huy động vào các tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt là các tỉnh miền núi khó huy động được nhà tài trợ, không có kinh phí để triển khai nên rất khó đạt mục tiêu đề ra trong Quyết định 1340/QĐ-TTg (tới năm 2020 triển khai Chương trình Sữa học đường 100% ở các huyện nghèo và 70% ở các địa phương khác). 

Một vấn đề nổi cộm nữa là sữa cung ứng cho Chương trình chưa thống nhất về tiêu chuẩn sữa (một số tỉnh sử dụng sữa bột pha lại hoặc các loại sữa không rõ nguồn gốc) mặc dù bộ Y tế đã có hướng dẫn về tiêu chuẩn sữa tươi học đường nhưng các tỉnh chưa triển khai hướng dẫn này. Vì thế các trường học rất khó khăn trong việc nhận biết sữa học đường có đạt chuẩn hay không.

Chia sẻ về vấn đề chất lượng sữa học đường, ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế – Đơn vị chủ trì soạn thảo Chương trình Sữa học đường cũng bày tỏ quan ngại, nếu không làm chặt về quy chuẩn, tiêu chuẩn sữa tươi học đường theo quy định, mục tiêu Sữa học đường nâng cao tầm vóc Việt sẽ khó có thể đạt được. Cũng theo ông Vinh, việc thực thi cấp chứng nhận hoặc dán tem mác cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn Sữa tươi học đường theo tiêu chuẩn QCVN 5:1-2010 cần phải sớm được thực hiện. 

untitled1.jpg

Bà Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH – cũng bày tỏ quan điểm: Chương trình Sữa học đường muốn thành công thì phải có sản phẩm sữa đạt chuẩn và có cơ chế hỗ trợ tài chính phù hợp. Về tiêu chuẩn sữa cho trẻ em, không phải bất kỳ loại sữa chất lượng phập phù nào cũng đưa cho trẻ em dùng, mà các em cần uống những loại sữa tươi đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có vi chất phù hợp với nhu cầu từng lứa tuổi. Do vậy, bà Hương đồng tình quan điểm với đại diện bộ Y tế về việc quản lý chặt chẽ chất lượng sữa cung ứng vào trường học phục vụ chương trình Sữa học đường. "Sẽ không có người mẹ nào ngại chi thêm một phần tiền khi con mình được sử dụng sữa đúng tiêu chuẩn sữa tươi học đường tại trường", bà Thái Hương nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, bà Hương cho biết: "khi tham gia thúc đẩy Chương trình Quốc gia Sữa học đường, chúng tôi kiên định mục tiêu cần phải có sữa học đường đạt chuẩn với mong muốn dành những gì tốt nhất cho trẻ. Chúng tôi sử dụng Sữa tươi học đường TH School MILK được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi sạch nguyên chất của trang trại TH, nơi chữ “sạch” được kiểm soát bởi công nghệ cao. Từ khi sữa được vắt từ bầu vú bò cho đến khi sữa đến tay người tiêu dùng không hề có một chút không khí nào lọt vào. Đàn bò của TH được gắn chíp cảnh báo được bệnh này trước 4 ngày. Khi có biểu hiện của bệnh trước 4 ngày, máy vắt sữa sẽ tự động “từ chối” vắt sữa đối với con bò đó. Nếu không có hệ thống này thì khả năng nguồn sữa nguyên liệu bị lẫn, nhiễm mủ và máu. Đó là điều mà chăn nuôi thủ công khó kiểm soát được. 

Bên cạnh những trao đổi, chia sẻ về thực trạng và xác định những khó khăn trong triển khai thực hiện, các thành viên tại Hội thảo cũng đã thảo luận thống nhất về một số mô hình, cách làm hiệu quả, bài học kinh nghiệm của một số địa phương khi triển khai Chương trình Sữa học đường. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS. Ngũ Duy Anh cho hay bước khởi động này cũng đã đưa ra được một số đề xuất, thống nhất những giải pháp phù hợp để triển khai Chương trình tại các địa phương trong thời gian tới.

5 lợi ích của Chương trình Sữa tươi học đường

  • Sữa tươi có chất lượng và hiệu quả dinh dưỡng vượt trội so với sữa bột hoàn nguyên hoặc sữa bột pha lại: Thực tế nghiên cứu về sự hấp thu dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi từ 2 tới 12 tuổi (sau khi rời dòng sữa mẹ) cho thấy sữa tươi là tối ưu. Sản phẩm sữa tươi có lượng dinh dưỡng cân bằng, giữ được nguyên vẹn các vitamin và khoáng chất trong sữa, có lợi cho sự hấp thu để phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ, trong khi sữa bột phải qua hai lần sử dụng nhiệt độ cao (cô đặc và pha loãng), thời hạn bảo quản dài làm mất chất dinh dưỡng. 
  • Phù hợp với xu hướng sử dụng sữa tươi trong học đường trên thế giới: Hiện thế giới có hơn 60 quốc gia thực hiện Chương trình Sữa học đường theo sáng kiến của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Các nước triển khai chương trình thành công như Nhật Bản, Thái Lan… đều quy định sử dụng sữa tươi trong Chương trình Sữa học đường
  • Tạo điều kiện phát triển đàn bò và nguồn sữa tươi trong nước: Sự phát triển ngành sữa của một quốc gia được đánh giá trên khả năng tự chủ về nguyên liệu sản xuất và tỷ lệ phụ thuộc và nguồn sữa bột nhập khẩu. Việc quy định sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ nông dân phát triển đàn bò, tăng tỷ lệ sữa tươi, qua đó xây dựng được nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu bền vững, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu sữa bột. Đây cũng là định hướng mà Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo triển khai. Việc này hoàn toàn hỗ trợ cho kế hoạch phát triển vùng chăn nuôi bò sữa và các mục tiêu tăng trưởng sản lượng sữa tươi (1 tỷ lít vào năm 2020 và 1,4 tỷ lít vào năm 2025) của Chính phủ.
  • Cải thiện cán cân thanh toán, tiết kiệm ngoại tệ, giảm tỷ lệ nhập siêu: Việt Nam dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm chúng ta phải chi 23.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột về pha lại, dẫn tới nhập siêu rất lớn.Việc sử dụng sữa tươi vào Chương trình Sữa học đường, ngoài việc khuyến khích ngành chăn nuôi phát triển, còn giảm áp lực nhập siêu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
  • Dễ quản lý chất lượng sữa trong trường học: Việc quy định sử dụng sữa tươi sẽ tránh cho việc sữa nước được pha lại/hoàn nguyên từ sữa bột nhập khẩu với nhiều phẩm cấp chất lượng và các mức giá khác nhau trà trộn vào trong nhà trường. Quy định này sẽ tạo chuẩn mực về mặt chất lượng, hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tuân thủ, dành những sản phẩm tốt nhất, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em, tránh việc tiêu cực xảy ra trong nhà trường, dễ quản lý ở các cấp triển khai.

                                       (Nguồn: Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế)

Theo Phụ nữ Việt Nam