Phòng ngừa bệnh gan ở trẻ

Khi nhắc đến bệnh gan, mọi người thường nghĩ đó là chứng bệnh của người trưởng thành. Thế nhưng các bệnh lý về gan xuất hiện ở trẻ em ngày một nhiều hơn và là nỗi lo lắng cho cả giới y khoa.

Gan là cơ quan chuyển hóa quan trọng trong cơ thể. Gan được xem như là nhà máy hóa chất lớn nhất. Gan sản xuất ra dịch mật – dịch thể quan trọng trong quá trình tiêu hóa, đảm trách việc điều hòa nhiều phản ứng hóa sinh, những phản ứng này chỉ xảy ra ở một số tổ chức đặc biệt của cơ thể. Gan dự trữ chất dinh dưỡng, mỡ và vitamin, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, tạo protein cho huyết tương và thải độc cho cơ thể.

Bệnh gan ở trẻ em là cụm từ chỉ các bệnh lý về gan thông thường ở trẻ như: nhiễm siêu vi viêm gan ( A, B, C…), bệnh gan di truyền hay bệnh gan chuyển hóa, nghẽn đường mật, gan nhiễm mỡ… Bệnh gan mắc phải thường gặp ở người lớn hơn là trẻ em. Các bệnh gan phát hiện ở trẻ em thường do viêm nhiễm, di truyền, rối loạn chuyển hóa hoặc bệnh mạn tính. Điều này chứng tỏ trẻ có thể mắc bệnh gan do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh hoặc do các vấn đề sức khỏe khác của bé.

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh gan ở trẻ em gồm:  Do trẻ chưa hoàn thiện về sinh lý của gan trong thời gian chu sinh và những thay đổi quan trọng của quá trình chuyển hóa của gan trong thời gian thơ ấu. Chính những thay đổi này ảnh hưởng sự tiếp xúc cũng như phản ứng lại khi cơ thể trẻ tiếp xúc với chất độc hay virut.

Nhận biết trẻ em mắc bệnh gan

Trẻ có dấu hiệu bị vàng da, vàng mắt: Triệu chứng này không chỉ báo hiệu bệnh gan ở người lớn mà còn báo hiệu đối với cả trẻ nhỏ. Màu da và màu mắt thay đổi là do ứ đọng quá nhiều bilirubin trong máu. Bilirubin là một sắc tố màu vàng được tìm thấy trong mật và được sản xuất bởi gan. Có đến 60% trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý và sẽ hết sau vài ngày. Tuy nhiên, một em bé vài tháng tuổi lại cần chăm sóc y tế khi bị vàng da bởi đây là dấu hiệu của bệnh gan.

Phòng ngừa bệnh gan ở trẻ

Có dấu hiệu sưng ở bụng và chi dưới: Nếu trẻ có dấu hiệu bị sưng ổ bụng (trướng bụng) và chi dưới thì rất có thể đã bị bệnh gan. Bình thường, trong ổ bụng không có nước khi giữa lá thành và lá tạng của màng bụng, vì một nguyên nhân nào đó, xuất hiện nước, gọi là hiện tượng cổ trướng.

Nước tiểu đậm màu: Nếu một bé khỏe mạnh nước tiểu sẽ có màu sáng. Còn đối với những bé có vấn đề về gan, nước tiểu trở nên đậm màu do có sự tích tụ của bilirubin trong máu. Nước tiểu sậm màu cũng là một dấu hiệu của sự mất nước. Xét nghiệm nước tiểu có thể thấy được sự hiện diện của bilirubin. Khi bé được uống nhiều nước mà nước tiểu lại sậm thì nên đưa trẻ đi khám.

Dấu hiệu trong phân của trẻ: Những em bé khỏe mạnh sẽ bài tiết bilirubin qua phân. Đối với những bé có vấn đề về gan sẽ không thải bilirubin qua phân và khiến phân của bé nhạt màu hoặc màu trắng. Nếu phân của bé chứa máu hoặc dịch màu thì đây là dấu hiệu chứng tỏ bé đang có vấn đề về gan.

Dấu hiệu khác: Ngoài các dấu hiệu ở trên, nếu trẻ mắc các vấn đề về gan thì bé thường có cảm giác không ngon miệng, hay nôn trớ, ngủ khó đánh thức đôi khi còn hôn mê và không tăng cân trong thời gian dài.

Ảnh hưởng thứ phát của bệnh gan có thể đe dọa sức khỏe trẻ em

Khi trẻ mắc bệnh gan mà không được điều trị, có thể biểu hiện như: Tăng bilirubin máu, gan to, suy tế bào gan, xơ gan, nang gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc bệnh toàn thân do ảnh hưởng thứ phát của bệnh gan. Các biểu hiện toàn thân do bệnh gan gây ra là: Rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết. Rối loạn đông máu thứ phát do nồng độ các yếu tố phụ thuộc vitamin K thấp. Khi gan có bệnh sẽ không thải hết độc tố ra khỏi cơ thể, việc tiếp xúc độc tố kéo dài có thể gặp trong các bệnh: Galactosemia hoặc fructosemia. Nhiễm trùng là nguyên nhân của bệnh gan hay là hậu quả thứ phát của suy giảm miễn dịch do suy dinh dưỡng. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa với biểu hiện xuất huyết dạ dày ruột trầm trọng.

Các biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh gan cho trẻ cần cho trẻ tiêm vắc-xin phòng viêm gan B ngay khi trẻ lọt lòng mẹ. Với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virut viêm gan b thì cần được tiêm thuốc dự phòng ngay khi mới sinh theo chỉ định của thầy thuốc. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì cần cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ. Sữa mẹ đã được phát hiện có chứa hơn 1.000 loại dinh dưỡng, trong đó có 400 loại dinh dưỡng mà khoa học hiện nay không thể phục chế được. Nhưng ưu điểm của sữa mẹ không chỉ như vậy, hiện nay các nhà khoa học còn phát hiện, nuôi con bằng sữa mẹ có thể phòng ngừa bệnh gan ở trẻ em. Đồng thời, trong sữa mẹ còn chứa nhiều loại kháng thể để chống lại các virut. Do vậy, những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có thể phòng ngừa bệnh gan do virut một cách hiệu quả.

Với trẻ lớn hơn cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, đủ các nhóm thực phẩm. Mẹ cần chuẩn bị cho con khẩu phần ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất cần thiết.

Môi trường sống của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh xa nguồn bệnh. Năng cho trẻ vận động ngoài trời để thích nghi với thời tiết và tăng khả năng phòng bệnh. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tiêu hóa ngay.

Nguồn: phunutoday.vn