Khi mới đi mẫu giáo, trẻ thường gặp những vấn đề tâm lý khiến sức đề kháng giảm sút dễ mắc bệnh, do vậy lúc này dinh dưỡng với con hết sức quan trọng. Làm sao để đảm bảo bé vẫn ăn đủ chất? Làm sao để đảm bảo mẹ sẽ phối hợp thật tốt với nhà trẻ/trường mẫu giáo, để bé có thể có được chế độ dinh dưỡng hoàn hảo cả ở trường lẫn ở nhà?
Không bao giờ là quá sớm để hình thành một nền tảng dinh dưỡng tốt và thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý về dinh dưỡng cho con giai đoạn này để bé tránh mắc một số bệnh khi mới đi học, đồng thời có nền tảng sức khỏe tốt cho những bước phát triển tiếp theo trong những năm đầu đời.
Thiết lập khẩu phần ăn hằng ngày
Do dạ dày của trẻ giai đoạn này có còn nhỏ và non nớt vì thế, tốt nhất là chia thành 5-6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày. Bé chỉ cần đủ năng lượng hay calo để đáp ứng cho các hoạt động vui chơi của bé và các giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng không cần thiết phải cho bé ăn khẩu phần của 1 người trưởng thành.
Nếu bé không muốn ăn đừng ép bé, nếu ép bé ăn sẽ có phản ứng ngược lại bé dễ chán ăn và trở nên lười ăn ngay lập tức.
Cho bé ăn những bữa ăn nhẹ giàu chất dinh dưỡng như 1 phần của kế hoạch ăn uống trong ngày. Việc bé có hứng thú khi ăn uống hay không- sẽ thay đổi từ ngày này sang ngày khác là hoàn toàn bình thường.
Không nên cho bé ăn bất cứ thức ăn hoặc nước uống ngọt nào trước 1,5h bữa ăn để bé không bị cản trở sự thèm ăn.
Ngoài ra để giúp kích thích một sự thèm ăn tốt, trẻ em cần được hoạt động và dành nhiều thời gian bên ngoài. Khuyến khích bé tham gia những hoạt động thể chất như các môn thể thao, các trò chơi vận động, kỹ năng…
Dinh dưỡng cần cho trẻ mới đi học
Trẻ ở lứa tuổi mầm non rất cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh không quá dư thừa chất dẫn đến béo phì, nhưng cũng không quá thiếu hụt làm trẻ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, bữa ăn của trẻ cần phải được đảm bảo đầy đủ 4 nhóm đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất.
– Thức ăn tinh bột: Có mặt trong 3 bữa chính và một số bữa phụ của bé. gồm cơm, khoai tây, khoai lang, mỳ và những thức ăn từ bột mỳ như bánh mỳ, bánh ngọt…
– Hoa quả và rau xanh: Trong ăn uống hàng ngày, rau có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy lượng protid và lipid trong rau không đáng kể, nhưng chúng cung cấp cho cơ thể nhiều chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là các muối khoáng có tính kiềm, các vitamin, các chất pectin và axit hữu cơ. Ngoài ra trong rau xanh còn có loại đường tan trong nước và chất xenluloza vì vậy cần ít nhất một phần rau xanh trong bữa ăn chính của bé. Hoa quả thì có thể cho bé ăn thường xuyên hơn.
Dinh dưỡng đúng cách có vai trò đặc biệt trong sự phát triển của bé
– Thức ăn giàu protein và chất sắt: Chúng có mặt trong ít nhất 2 bữa chính của bé, gồm: thịt, cá, trứng, các loại hạt.
– Sữa chua và phô mai: Có thể cho bé ăn 3 loại trên thành 3 phần trong ngày. Thực phẩm chứa sữa giàu canxi, tốt cho xương của bé. Cũng có thể cho bé uống thêm sữa nhưng không quá 350ml mỗi ngày. uống nhiều sữa sẽ khiến bé bị no, giảm cảm giác thích thú khi ăn.
– Đồ uống: Ở độ tuổi này, bé có thể uống tới 6 cốc (nước lọc + sữa + nước quả) mỗi ngày. Bé ở tuổi mẫu giáo cần nhiều chất lỏng hơn vào những ngày trời nóng, nhất là khi bé nô đùa, dễ bị mất nước nhanh. Sữa và nước lọc là hai đồ uống quan trọng giữa những bữa chính. Nên cẩn thận với nước hoa quả vì axit trong hoa quả có thể phá hủy men răng, nếu bé uống nhiều lần trong ngày. Đồ uống giàu đường và axit như nước ép quả, nước quả đóng hộp thường là thủ phạm gây sâu răng. Tốt nhất, cha mẹ cần pha loãng và cho bé uống ở mức vừa phải, uống xong cần dạy bé súc miệng bằng nước lọc.
Ở giai đoạn từ 2-3 tuổi, trẻ đã biết ăn theo bữa như người lớn và có thể tự đưa ra yêu cầu về các món ăn. Có điều, bạn nên chuẩn bị thức ăn thêm cho bé, ví dụ như thịt vẫn cần ninh nhừ hoặc băm nhỏ, cá cần gỡ sạch xương, rau cần thái nhỏ và nấu mềm hơn. Nên duy trì cho trẻ uống ít nhất 1 bữa sữa trong ngày và 1 bữa ăn phụ vào sau giấc ngủ trưa.
Trẻ mới đi học không tránh khỏi khủng hoảng vì lịch sinh hoạt mới ở trường sẽ chán ăn dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng nên cha mẹ cần bổ sung cho bé bằng đồ ăn nhẹ sau giờ học. Dinh dưỡng ổn định cũng giúp cơ thể bé tăng sức đề kháng, chống lại những bệnh dễ bị lây nhiễm ở lớp học.
Nguồn: hoidinhduong.vn