Khi cha mẹ được giám sát chất lượng sữa tại trường

Trẻ em được uống sữa tại trường nhưng người giám sát phải là cha mẹ thông qua nhãn mác và tiêu chuẩn sữa rõ ràng, đó là mong muốn của rất nhiều bậc phụ huynh, các chuyên gia dinh dưỡng khi chương trình Sữa học đường vì tầm vóc Việt được triển khai đại trà trong cả nước.


Một bữa ăn bán trú tại Nghệ An, sau bữa ăn trưa, học sinh nghỉ trưa và được uống sữa học đường ở bữa ăn xế.

Vừa tích vừa… run

Từ đầu tháng 7, khi con gái bắt đầu đi học hè, chị Nguyễn Thị Nga (Đông Anh – Hà Nội) đã được cô giáo của con phát cho phiếu khảo sát chương trình Sữa học đường cho năm học mới. Chị Nga cho biết, phiếu khảo sát có đặt ra nhiều câu hỏi cho cha mẹ như: Có đồng ý cho con uống sữa bổ sung trong các bữa ăn bán trú tại trường không? Uống bao nhiêu thì đủ? Uống loại sữa nào thì hợp lý?…

Nhận thức được tác dụng của sữa cho trẻ nên chị Nga rất vui khi chương trình Sữa học đường sẽ giúp con chị được bổ sung sữa đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, khi đặt bút tích vào ô “chọn sữa gì cho con?” chị Nga lại thấy… run.

“Phụ huynh làm sao có thể biết được sữa gì là sữa tốt nhất cho trẻ? Ở nhà, nếu có cho con uống sữa thì phải lựa rất cẩn thận, chủ yếu là sữa tươi tiệt trùng của hãng sữa uy tín. Nhưng sữa ở trường thì khác, làm sao có thể biết được con mình đang uống sữa đạt chuẩn, đủ dinh dưỡng và được bảo quản tốt khi mà các doanh nghiệp sữa hiện nay vào trường học khá dễ dàng. Làm sao để tránh cho con khỏi những nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những loại sữa kém chất lượng?” – chị Nga nói.

Lo lắng của chị Nga cũng giống như rất nhiều phụ huynh khác khi các trường học triển khai việc uống sữa bổ sung tại trường cho trẻ. Không tin tưởng vào chất lượng sữa tại trường mầm non của con mình, chị Hoàng Thị Thu (Hoàng Mai – Hà Nội) ngày nào cũng phải bỏ vài hộp sữa tươi vào cặp cho con và dặn giáo viên cho con uống sữa mẹ chọn, không uống sữa ở trường.

“Nếu chương trình Sữa học đường được triển khai đại trà, cha mẹ sẽ không thể yên tâm được nếu không có cách nào kiểm soát chất lượng sữa và loại sữa con được uống. Nếu chẳng may có xảy ra sự cố như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy hay nhiễm khuẩn… cha mẹ cũng không biết kêu ai” – chị Thu lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT Hà Nội, nơi được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình Sữa học đường cho biết, hiện Sở GD-ĐT Hà Nội đang tiến hành khảo sát phụ huynh để lên kế hoạch thực hiện chương trình Sữa học đường toàn diện trong năm học 2017 – 2018. Tuy nhiên, để phụ huynh “yên tâm” về chất lượng sữa, bà Hoa cho rằng, cần có quy định chính thức thay thế cho quy định tạm thời hiện hành về tiêu chuẩn Sữa học đường.

“Sữa cho Chương trình cần có tiêu chuẩn chung để giám sát. Ngoài ra, nên xây dựng thực đơn mẫu có sử dụng Sữa học đường trong bữa ăn cho trẻ mầm non để các trường áp dụng” – bà Hoa đề xuất.

Phụ huynh cần công cụ giám sát

Là một doanh nghiệp, nhưng khi tham gia vào chương trình Sữa học đường, điều mà bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk trăn trở nhất là làm thế nào để có được nguồn sữa sạch, đạt chuẩn cho trẻ.

 “Trẻ em trong độ tuổi phải được uống sữa, nhưng không phải bất kỳ loại sữa chất lượng phập phù nào, mà các em cần uống những loại sữa tươi đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có vi chất phù hợp với nhu cầu từng lứa tuổi. Điều này đã được quy định trong Quyết định 1340/QĐ-TTg và hướng dẫn của Bộ Y tế (QĐ 5450/QĐ-BYT) về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường” – bà Thái Hương nhấn mạnh.

Theo bà Thái Hương, không chỉ riêng TH True Milk, thương hiệu nào cũng có thể tham gia và đưa sản phẩm vào chương trình Sữa học đường nhưng phải đảm bảo được nguồn sữa đúng tiêu chuẩn. “Bộ GD ĐT nên đề xuất sữa vào trường học phải có nhãn mác riêng và chất lượng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn quốc gia về sữa học đường. Bộ Y tế sẽ là đơn vị kiểm soát tiêu chuẩn đó”- bà Thái Hương trăn trở. 
Đề xuất này nhận được sự đồng tình của nhiều thầy cô giáo bởi nhãn mác và tiêu chuẩn sữa sẽ là công cụ để các bậc cha mẹ cùng tham gia vào việc giám sát chất lượng sữa của con tại trường. Nó cũng chính là “bản cam kết” chất lượng của chương trình Sữa học đường quốc gia đối với phụ huynh và toàn xã hội.

Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cũng cho biết, trong quá trình kiểm tra, giám sát, ngành y tế và giáo dục cũng từng phát hiện nhiều sai phạm của các doanh nghiệp khi đưa sữa kém chất lượng vào trường học: “Không phải tất cả sữa đưa vào trường học đều là Sữa học đường. Sữa chính thức của Chương trình phải có logo, được kiểm soát tiêu chuẩn chứ không phải là lựa chọn cảm tính” – ông Vinh nhấn mạnh.

Đồ họa tiêu chuẩn sữa học đường của TH school milk của tập đoàn TH

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, mới có 6 tỉnh thành đang triển khai chương trình Sữa học đường và 11 tỉnh thành đang xây dựng kế hoạch để triển khai trong năm học 2017 – 2018. Theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chương trình Sữa học đường dự kiến sẽ tiếp cận tới 100% học sinh mẫu giáo, tiểu học ở các huyện nghèo và 70% học sinh các diện còn lại trên cả nước, phấn đấu tới năm 2020, trẻ em lứa tuổi này sẽ cao hơn 1,5-2cm so với trước.

Theo Gia đình và trẻ em