Để đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ tuổi học đường, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bữa ăn sáng, đây là thời điểm quan trọng vì cung cấp năng lượng khởi đầu cho cả ngày hoạt động. Đặc biệt ở các trường học thời gian lên lớp vào buổi sáng, nên việc trẻ có được ăn đủ năng lượng và dưỡng chất cho não làm việc tốt hay không phụ thuộc vào bữa sáng. Bữa ăn này cần thiết cho trẻ ăn nhiều, ăn đủ chất, tăng cường các nhóm cung cấp đạm động vật, chất béo, đủ glucid và vitamin.
Làm thế nào để thực hiện được điều này cũng là một bài toán cho nhiều gia đình vì thời gian buổi sáng rất eo hẹp, nhiều trẻ lại khó ăn hoặc hay nôn khi bị ép ăn vào bữa sáng. Để giúp trẻ ăn tốt bữa sáng, cha mẹ nên tạo điều kiện thay đổi các thực đơn bữa sáng theo ý thích của trẻ, các thực đơn ăn sáng khuyên dùng là: phở/ mì/ cháo; thịt gà/ bò/ trứng + rau, bánh mỳ, bánh quy + bơ/ pho mát + sữa…với những trẻ khó ăn sáng, hoặc quá ít thời gian có thể dùng bữa sáng với một cốc sữa 300ml (dùng sữa bột nguyên kem hoặc sữa năng lượng cao để đảm bảo năng lượng, không dùng sữa tươi trong trường hợp này vì năng lượng ít hơn). Chúng ta có thể sử dụng sữa bột pha thay thế cho bữa ăn bởi vì sữa bột pha là loại thực phẩm có thành phần hóa học hoàn hảo vừa cung cấp năng lượng cao, vừa cho tỷ lệ các chất sinh năng lượng rất cân đối so với nhu cầu khuyến nghị: trong đó năng lượng từ protein chiếm 22 – 26%, từ lipid chiếm 30 – 47% (phụ thuộc vào loại sữa nguyên kem hay tách bơ một phần), từ glucid chiếm 31%. Riêng về thành phần glucid trong sữa là hơi thấp nên sẽ tốt hơn nếu cho trẻ ăn kèm bánh quy, bánh mì, hoặc snack ngũ cốc ăn sáng trộn sữa (với nhiều loại mùi vị khác nhau) hiện rất sẵn trên thị trường.
Lứa tuổi học đường đặc biệt ở ngưỡng tuổi dậy thì và tiền dậy thì là giai đoạn quan trọng cho những sự thay đổi về tâm lý, về xã hội học và sinh học. Lứa tuổi này có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt là vì tốc độ lớn rất nhanh của cơ thể cả về khối nạc, khối mỡ, những nhu cầu phát triển xương, sự khoáng hóa trong cơ thể, và những thay đổi cho sự hoàn thiện của cơ thể trong sinh lý tuổi dậy thì. Các nghiên cứu về dinh dưỡng ở nước ta và ở các nước phát triển đã cho thấy rất nhiều trẻ ở lứa tuổi học đường không được cung cấp đủ nhu cầu về dinh dưỡng cho lứa tuổi này và vẫn bị thiếu hụt về canxi, sắt, vitamin B1, B2, vitamin A và C. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu vẫn là thiếu máu do thiếu sắt. Bệnh này ảnh hưởng rất xấu đến khả năng tập trung học tập, đảm bảo trí nhớ, do vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiếp thu bài và tư duy của các cháu. Thực đơn trong ngày của các cháu phải luôn chú trọng vào các thực phẩm giàu các dưỡng chất cần thiết này: cần tăng cường sữa bột kể cả cho các cháu đang lớn (vì năng lượng và nồng độ canxi cao hơn nhiều trong sữa tươi), các loại đạm động vật (thịt, bò, trứng, thịt lợn, cá, tôm, cua, trai, hến, sò và các hoa quả giàu vitamin).
Ngoài ra để hỗ trợ tăng cường trí thông minh của các cháu, cần cho các cháu ăn các thực phẩm cung cấp nhiều acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được (như acid palmitic, oleic, liolenic…) hàng tuần nên có tối thiểu hai bữa cá trong đó nên có một bữa cá béo (cá bông lau, cá chép, cá chim…) vì trong mỡ cá này rất giàu các thành phần acid béo trên.
Về giờ giấc ăn, cần lưu ý những cháu lớn, do ham mê các hoạt động khác nhiều khi hay ăn uống thất thường, không theo giờ giấc, rất hại sức khỏe và dễ dẫn đến bệnh lý viêm loét dạ dày, cần nhắc trẻ ăn đúng bữa, không nên ăn vặt. Cần để ý tránh cho các cháu lớn do quá sung bái hình tượng cá nhân mà có thể tự áp đặt những chế độ ăn không thích hợp cho lứa tuổi còn đang phát triển mạnh như theo trường phái ăn chay, ăn kiêng quá mức để giảm cân nhiều…
Những cháu có chiều cao thấp cân ăn nhiều loại thực phẩm chứa nhiều canxi, các yếu tố vi khoáng như kẽm, magie,…: có trong sữa, tôm, cua, cá, trai hến…và tập thể dục thể thao đặc biệt loại hình xả đơn, bơi.
Đảm bảo dinh dưỡng tốt không có nghĩa là dư thừa hay mất cân đối trong chế độ ăn. Ở các thành phố lớn nước ta hiện đang có xu hướng gia tăng tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì do ăn quá nhiều và ăn mất cân đối. Thừa cân hay thiếu cân đều có những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và khả năng học tập của trẻ nên các bậc phụ huynh cần kiên nhẫn và nghiêm túc, khéo léo điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ theo sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.
Bs. Ts Phan Bích Nga – Viện Dinh dưỡng