Sữa học đường: Giải pháp dinh dưỡng tối ưu
Giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc thể lực và trí tuệ, là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì tiếp theo. Đây là giai đoạn có sự biến đổi nhanh cả về thể chất và tâm lý, nhưng cũng là giai đoạn rất dễ bị tổn thương về dinh dưỡng. Vì vậy, cần phải đảm bảo sự phát triển hoàn hảo về thể lực và trí tuệ – cơ sở để tiếp nhận và phát triển khoa học kỹ thuật, cho trẻ em trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em Việt Nam vẫn còn cao, vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành. Cụ thể:
– Chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn. So với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan tầm vóc của thanh niên nước ta kém hơn.
– Ngoài ra, do thiếu vận động nên tố chất thể lực, nhất là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế.
Điều này cho thấy, việc cải thiện dinh dưỡng không chỉ quan trọng ở những năm đầu, mà đó phải là một quá trình liên tục trong những năm tuổi học đường.
Khoa học đã chứng minh, sữa tươi là thức ăn hoàn chỉnh cho trẻ, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho sự phát triển thể lực, tầm vóc cho trẻ. Vì vậy, dinh dưỡng học đường không thể thiếu sữa học đường. Nếu áp dụng giải pháp dinh dưỡng này, 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ có một thế hệ trẻ khỏe mạnh, phát triển thể lực, trí lực.
Một số nghiên cứu dinh dưỡng đã chứng minh điều đó. Cụ thể, trong năm học 2015-2016, tỉnh Nghệ An đã thực hiện mô hình điểm Sữa học đường. Sau một năm triển khai Chương trình Sữa học đường với sản phẩm TH school MILK, các chỉ số về dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo, tiểu học đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể:
– Suy dinh dưỡng (SDD) thể cân nặng/tuổi ở các trường mầm non giảm trung bình là 2,45%, cao hơn mức giảm trung bình hàng năm từ 2010 đến nay (0,7%/năm) và cao hơn mức giảm trung bình ở các trường mầm non chưa triển khai chương trình (1,44%).
– SDD chiều cao/tuổi ở các trường mầm non giảm trung bình là 2,07%, cao hơn mức giảm trung bình hàng năm từ 2010 đến nay (1,0%/năm) và cao hơn mức giảm trung bình ở các trường mầm non chưa triển khai chương trình (1,18%).
– SDD thể cân nặng/tuổi ở các trường tiểu học giảm trung bình là 1,69%, cao hơn mức giảm trung bình ở các trường tiểu học chưa triển khai chương trình (0,98%).
– SDD chiều cao/tuổi ở các trường tiểu học giảm trung bình là 1,43%, cao hơn mức giảm trung bình ở các trường tiểu học chưa triển khai chương trình (0,79%).
>> Xem thêm các bài viết về "Dinh dưỡng học đường".