Lê Thị Hợp
Câu hỏi thường gặp
Táo bón là một tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ khi trẻ không đi tiêu thường xuyên, khi đi tiêu, trẻ dễ bị đau đớn và khó đi. Táo bón ở trẻ thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên tình trạng táo bón kéo dài sẽ có thể gây ra một số biến chứng không tốt cho sức khỏe của trẻ. Vì vậy, để phòng tránh táo bón cho trẻ, các phụ huynh cần chú ý xây dựng một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý.
- Về chế độ dinh dưỡng: cần phải bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ như các loại rau củ, trái cây,… Cha mẹ cần nhắc nhở trẻ hãy uống nhiều nước cũng như tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn.
- Về chế độ sinh hoạt: vận động nhiều sẽ giúp thức ăn di chuyển dọc theo ruột nhanh hơn, từ đó hệ tiêu hóa được hoạt động trơn tru.Ngoài ra, các phụ huynh cần tập cho bé thói quen đi vệ sinh thường xuyên để có thể phòng tránh táo bón hiệu quả hơn.
Nếu trẻ bị táo bón, bạn có thể cho trẻ sử dụng một số loại thuốc không cần kê toa hay các biện pháp trị liệu khác theo chỉ dẫn. Tuy nhiên nếu trình trạng táo bón của trẻ không giảm, bạn hãy cho bé đi khám để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp nhất.
Có rất nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển chiều cao của trẻ trong đó dinh dưỡng là một yếu quan trọng nhất mà các bậc phụ huynh cần chú ý. Một số loại thực phẩm giúp trẻ tăng trưởng chiều cao có thể kể đến như:
Sữa và các chế phẩm làm từ sữa: Các dưỡng chất có trong sữa có thể kể đến như vitamin A, vitamin B, vitamin D, vitamin E,… Sữa còn chứa rất nhiều canxi, kali, protein và các khoáng chất giúp cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong đó, canxi và vitamin D có trong sữa có tác dụng rất tốt với chiều cao. Ngoài ra các sản phẩm làm từ sữa như sữa chua, pho mát, bơ,… cũng đều chứa hàm lượng lớn canxi giúp thúc đẩy chiều cao cho trẻ.
Hải sản: Hải sản là nguồn thực phẩm chứa nhiều canxi. Ngoài ra hải sản còn chứa rất nhiều dưỡng chất giúp trẻ dễ hấp thụ canxi như các loại vitamin D, vitamin K, vitamin B1,… Các loại hải sản giàu canxi có thể kể đến như tôm, cua, sò, ốc, cá,…
Trứng: Trong trứng có chứa rất nhiều protein. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng có trong long trắng trứng còn giúp tổng hợp vitamin trong các tế bào, điều này kích thích cho bé phát triển một cách nhanh hơn.
Các loại rau củ: Rau xanh là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó một số loại rau còn chứa rất nhiều sắt và canxi.
Các loại trái cây: Hầu hết các loại trái cây đều có chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết, có lợi cho sức khỏe con người. Các loại trái cây có chứa hàm lượng vitamin A cao như đào và xoài, cực tốt cho sự phát triển toàn diện của cơ thể. Ngoài ra, các loại trái cây họ cam quýt như cam, quýt, chanh, bưởi có chứa rất nhiều vitamin C giúp cơ thể hấp thụ canxi một cách tối ưu.
Cơ thể trẻ em luôn phát triển và tăng trưởng, vì vậy trong điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em không được đặt ra vấn đề giảm cân, mà mục tiêu điều trị là giảm tốc độ tăng cân hay tránh tăng cân quá mức để đảm bảo sự phát triển cân đối chiều cao và cân nặng. Không được bắt trẻ nhịn đói vì nhịn đói mỗi ngày có thể giảm 0,5 kg nhưng lại gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng, làm giảm khối lượng cơ và rối loạn chuyển hoá ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và khả năng học tập của trẻ.
Nguyên tắc chính điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực:
- Hạn chế các loại bánh kẹo đường mật, kem, sữa đặc có đường, sữa béo. Nhưng có thể uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Khi chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế các, món quay, xào, rán.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt.
- Ăn điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói, ăn nhiều vào bữa sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như: chạy, nhảy dây, đá bóng, leo cầu thang, đi bộ, bơi lội, hạn chế xem tivi, video, trò chơi điện tử.
- Thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày và thời gian hoạt động của trẻ.
Để phòng tránh bệnh còi xương cho trẻ, ta phải phòng bệnh ngay từ khi còn là bào thai. Người mẹ phải được ăn uống đủ chất, chú ý tăng cường những thực phẩm có nhiều canxi như: tôm, cua, cá, trứng sữa, đậu đỗ trong suốt thời kỳ mang thai. Cho trẻ bú sớm ngay trong vòng một giờ đầu sau đẻ để tận dụng sữa non, cho bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 18 tháng hoặc 24 tháng. Trong sữa mẹ tỷ lệ Ca/P rất thích hợp cho việc hấp thu của trẻ. Từ 6 tháng trở đi cho trẻ ăn bổ sung với những thức ăn giàu calci và cho ăn thêm các loại rau, đặc biệt là thêm dầu mỡ. Cho trẻ tắm nắng ngay trong tháng đầu sau đẻ vào buổi sáng từ 10 đến 15 phút , chỉ cần để hở hai cẳng chân cho da trẻ tiếp xúc với ánh nắng. Nơi ở của trẻ cần thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh nắng mặt trời. Nếu thấy trẻ có nguy cơ còi xương, cha mẹ cần cho bé đi kiểm tra sức khỏe để có thể phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Để phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ, chúng ta cần quan tâm chăm sóc sức khỏe và xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lý. Cụ thể, các phụ huynh cần chú ý những điều sau:
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và cho trẻ bú kéo dàu 18-24 tháng. Từ tháng thứ 6 trở đi (sau 180 ngày) cho trẻ ăn bổ sung với những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ, vừng lạc.
- Đảm bảo cho trẻ không bị thiếu Vitamin A bằng chế độ ăn và uống Vitamin A liều cao định kỳ (1 năm 2 lần).
- Tiêm chủng theo lịch.
- Quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tốt trong và sau khi mắc bệnh.
- Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, giun sán cho trẻ.
- Cân trẻ thường xuyên và theo dõi cân nặng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng.
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hoá Hydratcarbon gây tăng đường máu, kèm theo các triệu chứng khát nhiều, đái nhiều, sút cân và có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Theo khuyến cáo của hội đồng chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới thì bệnh đái tháo đường được khẳng định khi bất cứ ở một thời điểm nào trong ngày nếu bệnh nhân có:
Glucose huyết tương trên 11,1 mmol/l (200mg/dl) hoặc
Glucose huyết tương lúc đói trên 7,0 mmol/l (126 mg/dl).
Có 2 type đái tháo đường:
Đái tháo đường type I: Thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi. Bệnh nhân đa số là gầy nên còn được gọi là đái tháo đường thể gầy. Đái tháo đường type I là do tế bào bêta của tuỵ mất khả năng tiết Insulin. Bệnh bắt đầu phát triển từ bé, sau 2 tuổi đã bị bệnh thì có khả năng di truyền. Đái tháo đường type I là một bệnh nguy hiểm vì gây nhiều biến chứng vi mạch ở mắt, thận, các chi, cùng với thoái hoá dây thần kinh ngoại biên.
Đái tháo đường type II: Thường xảy ra âm ỉ do khả năng tiết Insulin của tuỵ giảm từ từ và do hiện tượng kháng Insulin ở hệ cơ bắp gây hạn chế chuyển hoá glucose và tăng đường huyết. Đa số người bệnh đái tháo đường type II thường béo quá mức nên còn gọi là đái tháo đường thể béo. Đái tháo đường type II thì khả năng tiết Insulin của tuỵ cũng giảm và giảm dần theo kiểu lão hoá tế bào bêta, người trên 45 tuổi thường mắc đái tháo đường type II. Như vậy ăn thức ăn có nhiều đường không phải là nguyên nhân dẫn tới đái tháo đường, song những người ngoài 40 tuổi thì không nên ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc thức ăn rán quá béo v.v… vì đái tháo đường type II xảy ra âm ỉ, sự thiếu hụt Insulin từ từ và nếu ăn như vậy sẽ làm cho bệnh diễn biến ngày càng nhanh hơn.
Trong giai đoạn này, cân nặng trung bình nên tăng từ 2-3kg/năm. Đối với bé gái 2 tuổi thì mức cân nặng trung bình rơi vào khoảng 11,5 kg, còn bé trai sẽ khoảng 12,2 kg. Nếu con bạn có cân nặng cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình như vậy thì rất có thể bé đã bị thừa cân hoặc suy dinh dưỡng. Vì vậy, đối với trẻ từ 1-3 tuổi thì 2 tháng bạn nên cân đo cho bé 1 lần để có thể kiểm tra được tình trạng của bé thường xuyên nhất.
Nhiễm giun là tình trạng phổ biến ở trẻ em. Nhiễm giun có thể gây thiếu máu (giun tóc, giun móc), suy dinh dưỡng vì giun chiếm đoạt các chất dinh dưỡng (giun đũa). Ngoài ra, giun có thể gây một số tai biến nguy hiểm ở đường ruột (tắc ruột, giun chui ống mật), biếng ăn, rối loạn tiêu hoá,… Để phòng chống giun sán cho trẻ, các cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
Giữ vệ sinh cá nhân cho bé: tắm rửa vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, cắt móng tay cho trẻ, không để trẻ ngậm tay bẩn, chơi đồ chơi bẩn, không nên để trẻ đi chân đất, bò lê la dưới đất.
Đảm bảo vệ sinh ăn uống: lựa chọn những thực phẩm sạch, an toàn, cho trẻ ăn chín, uống sôi.
Tạo môi trường sống sạch sẽ thoáng mát: giữ gìn nhà ở, sân, vườn sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sạch, vứt rác đúng nơi quy định.
Tẩy giun định kì: khi trẻ 2 tuổi trở lên có thể tẩy giun cho trẻ bằng uống thuốc tẩy giun, trẻ có thể uống thuốc tẩy giun theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Trước khi dùng sản phẩm chống muỗi cho trẻ bạn phải kiểm tra xem thuốc chống muỗi đó có gây dị ứng cho trẻ không. Bạn có thể kiểm tra bằng cách đọc các thành phần có trong loại thuốc đó hoặc dùng thử lên mình trước khi cho bé sử dụng. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sỹ về những loại thuốc chống muỗi phù hợp với trẻ. Nếu là sản phẩm chống muỗi dạng xịt thì bạn lưu ý chỉ xịt thuốc ở chân, cánh tay trẻ, tuyệt đối tránh xa vùng mặt cổ vì thuốc xịt có thể bay hơi, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Ngoài ra, không nên bôi, xịt thuốc vào các vùng da hở như vết thương, nốt muỗi đốt cũ đã gãi trầy xước, dễ khiến cơ thể có nguy cơ phơi nhiễm hóa chất qua các vùng da hở này, thậm chí có thể dẫn đến dị ứng, nhiễm trùng, sưng viêm…
Canxi có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Khi bị thiếu cãni kéo dài trẻ sẽ bị còi xương, chậm lớn. Tuy nhiên, chậm phát triển chiều cao một chút so với các bé cùng lứa chưa thể khẳng định là bé thiếu calci. Vì chiều cao của trẻ còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như di truyền, sự tập luyện, vận động.
Để trẻ có thể phát triển chiều cao tối đa, bạn nên cho trẻ ăn uống hợp lý cũng như bổ sung cho trẻ các thực phẩm giàu canxi như: tôm, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Ngoài canxi thì các loại vitamin D, kẽm cũng không kém phần quan trọng, góp phần tăng cường hấp thu calci. Mặt khác, giờ giấc ngủ của trẻ phải đảm bảo tốt nhất là trước 22h, cho trẻ vận động hàng ngày cũng sẽ giúp bé cải thiện chiều cao.
Tôm, cua và các loại hải sản khác là những thực phẩm có cholesterol cao nhưng đó là cholesterol tốt HLD. Loại cholesterol này có lợi cho sức khỏe tim mạch. Acid omega 3 có trong hải sản còn giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, làm giảm hàm lượng chất béo triglyceride trong máu, giảm nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn có bổ sung thêm nhiều loại thủy hải sản như tôm, cua, cá… có thể làm giảm các loại cholesterol xấu trong máu và tăng cholesterol tốt. Do đó, để phòng tránh các bệnh tim mạch chúng ta nên ăn các loại hải sản ít nhất 1 luần trong tuần.
Các loại hải sản không làm tăng cholesterol xấu tuy nhiên cách chế biến món hải sản có thể làm tăng cholesterol LDL như các món chiên, sốt có chứa nhiều bơ, các món rang muối,… Vì vậy, nếu ăn hải sản, bạn có thể chế biến bằng cách luộc, hấp,…
Sắt là yếu tố cần thiết cho việc tạo ra các tế bào hồng cầu hemoglobin (Hb) trong máu, giúp mang oxy đến tất cả bộ phận của cơ thể. Các phụ huynh có thể bổ sung sắt cho bé bằng việc cung cấp những thực phẩm giàu chất sắt vào bữa ăn hằng ngày. Sau đây là một số những thực phẩm chứa nhiều sắt mà bạn có thể tham khảo:
Các loại hạt: Các loại hạt như quả óc chó, quả phỉ, hạt thông, hạnh nhân, lạc (đậu phộng), hạt điều…
Động vật thân mềm: Những loại động vật thân mềm như sò, hàu, trai, sò, điệp, ốc… chứa lượng lớn chất sắt.
Đậu phụ: Chỉ cần một nửa cốc đậu phụ, bạn cũng có thể cung cấp khoảng 1,82 mg chất sắt cho cơ thể.
Gan: Gan là một nguồn thực phẩm rất giàu chất sắt cho bạn. Các loại gan tốt nhất như gan bò, gan ngỗng, gan gà và gan lợn.
Cải bó xôi (rau bina): Với 100g rau cải bó xôi sẽ cung cấp cho cơ thể 2.7mg sắt
Lòng đỏ trứng: Trong 100 g lòng đỏ trứng có chứa 2,7 mg sắt.
Gà tây: Thịt gà tây là loại thịt trắng, một phần ăn khoảng 85 g thịt gà tây có khoảng 1,1 mg sắt.
Ngũ cốc: Ngũ cốc là nguồn chất sắt vô cùng lành mạnh
Hạt bí ngô: Hạt bí ngô có đầy đủ yếu tố dinh dưỡng, ngoài hàm lượng sắt và chúng còn chứa canxi, kẽm và magiê là khoáng chất quan trọng nhất với cơ thể.
Chocolate đen và bột ca cao: Đây là loại thực phẩm đáp ứng nhu cầu về sắt cho cơ thể, chúng còn được biết với công dụng giảm cholesterol và huyết áp.
Đối với bé trai 5 tuổi, cân nặng nên ở mức trung bình là 18.3 kg đồng thời chiều cao đạt tới khoảng 110cm. Vì vậy với cân nặng chỉ có 14kg với bé trai 5 tuổi thì đây là một dấu hiệu của suy dinh dưỡng. Bạn cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt cho bé để bé có thể phát triển khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra xem bé có mắc bệnh gì không từ đó có kế hoạch điều trị cho bé sớm nhất.
Khi có trường hợp ngộ độc do thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì các phụ huynh nhất thiết phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu… để gửi đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến điều tra xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu.
Xử trí cấp cứu trước tiên là phải làm cho trẻ bị ngộ độc nôn ra cho hết thức ăn, ngăn cản sự hấp thu của ruột đối với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Để loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể:
Gây nôn: thực hiện ngay bằng cách cho ngón tay vào họng để kích thích nôn
Rửa dạ dày: rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất là trước 6 giờ.
Tẩy ruột: nếu thời gian ngộ độc lâu trên 6 giờ thì có thể dùng thuốc tẩy
Gây bài niệu bằng cách truyền dịch.
Giải độc:
Dùng phương pháp hấp phụ chất độc bằng than hoạt
Trung hòa chất độc.
Giải độc đặc hiệu theo nguyên nhân gây ngộ độc.
Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, các phụ huynh cần sơ cứu cho trẻ tạm thời bằng một số cách xử trí như trên và đưa con tới cơ sở ý tế gần nhất để chữa trị kịp thời.
Trẻ em cần sử dụng men tiêu hóa khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hay khi bị giảm bài tiết gây thiếu men tiêu hóa trong cơ thể như trong một số trường hợp: viêm teo ruột kéo dài, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật, sau mổ cắt dạ dày. Trong thực tế, nhiều bà mẹ thường lạm dụng men tiêu hóa mỗi khi trẻ biếng ăn hay đau bụng, tiêu chảy. tuy nhiên việc sử dụng không hợp lí và lâu dài men tiêu hóa sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết và dẫn đến teo làm cho trẻ suốt đời phải phụ thuộc vào men tiêu hóa. Vì vậy trước khi sử dụng, các bà mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại men tiêu hóa, liều lượng, cách dùng và theo dõi sau khi dùng. Thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10 ngày.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban. Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Ở thể bệnh nặng bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Sự nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Cách phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh sạch sẽ, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Thịt cóc cũng là nguồn dinh dưỡng tốt. Trong 100 gam thịt cóc có chứa 18,6 gam đạm (Protid), ngoài ra còn có một yếu tố vi lượng khác đặc biệt là kẽm rất tốt cho sự phát triển và phục hồi dinh dưỡng của trẻ. Theo quan niệm của đông y thịt cóc có tác dụng bổ tỳ giúp cho trẻ ăn ngon miệng tiêu hoá tốt. Tuy vậy, khi chế biến thịt cóc thành ruốc, các phụ huynh cần hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn vì một số bộ phận của cóc như: gan, da, trứng có chứa độc tố có thể gây chết người. Do đó khi làm thịt cóc nhất thiết phải loại bỏ các bộ phận có chứa độc tố và tuyệt đối không để độc tố nhiễm vào phần thịt cóc làm thức ăn cho trẻ.
Sự tăng trưởng và phát triển của trẻ không phụ thuộc hoàn toàn do yếu tố di truyền mà còn chịu sự chi phối rất lớn của chế độ dinh dưỡng và môi trường, đặc biệt khi trẻ còn nhỏ dưới 6 tuổi.
Nếu bà mẹ nuôi dưỡng trẻ trong môi trường vệ sinh kém và chế độ dinh dưỡng kém thì trẻ sẽ không thể đạt được cân nặng và chiều cao bình thường.
Dinh dưỡng có ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển của trẻ trong 2 năm đầu và tuổi dậy thì. Bởi vậy trong giai đoạn này cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu cơ thể đang lớn nhanh.
Tuy nhiên trong những năm đầu của cuộc sống, con của các ông bố, bà mẹ thấp bé nhẹ cân vẫn có tốc độ lớn như trẻ bình thường nếu trẻ được ăn uống đầy đủ và đúng cách.
Còi xương không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cơ. Các dấu hiệu sớm của bệnh còi xương là những biểu hiện ở hệ thần kinh: trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc hay giật mình, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu. Dần dần xuất hiện các triệu trứng ở xương.
Ở trẻ nhỏ: xương sọ mềm, đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt ở phía sau hoặc một bên do tư thế nằm. Thóp rộng, chậm liền. Răng mọc chậm.
Ở trẻ lớn hơn: đầu to có bướu, ngực dô phía trước như ngực gà. Xương sườn gồ lên ở phần nối giữa sụn và xương được gọi là chuỗi hạt sườn: các xương chi xuất hiện vòng cổ tay, cổ chân.Các cơ nhẽo làm trẻ chậm biết lẫy bò, ngồi, đứng, đi.
Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng ở hệ xương như lồng ngực biến dạng, gù vẹo cột sống, chân tay cong, chân vòng kiềng (chữ O) hoặc chân chữ bát (chữ X), khung chậu hẹp. Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ sau này đối với trẻ gái.
Để dự phòng thừa cân – béo phì các phụ huynh cần xây dựng cho bé một chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực.
Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cần:
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ trong bào thai bằng cách chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ khi mang thai.
Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý.
Khẩu phần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường + thịt cá đậu đỗ + rau quả + dầu mỡ) giúp trẻ tăng trưởng bình thường.
Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên và vị thành niên cần:
Ăn uống hợp lý, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường. Khuyến khích trẻ ăn rau quả, hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống nhiều đường.
Tăng cường hoạt động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi như thể dục nhịp điệu, đi bộ chạy nhảy, bơi lội…hạn chế xem vô tuyến, chơi điện tử hoặc thức quá khuya.
Cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng chiều cao nhằm phát hiện sớm thừa cân – béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt của trẻ.
Sữa là nguồn dinh dưỡng chứa nhiều vitamin và các khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng việc cho trẻ uống sữa không phải là điều dễ dàng. Nếu bé không chịu hợp tác, các phụ huynh có thể tham khảo những gợi ý dưới đây đây để bé thích uống sữa hơn nhé!
Tạo thái độ tích cực, chủ động: Bắt ép hay quát mắng,… chỉ gây ấn tượng xấu, thói quen không tốt cho trẻ. Hãy để bé tự lựa chọn vị sữa, loại sữa theo ý thích. Thu hút sự chú ý của trẻ bằng cách dùng các dụng cụ (cốc, bát, thìa,..) bắt mắt hay thay vì thìa, hãy thử tập cho bé dùng ống hút để tránh nhàm chán.
Chia nhỏ lượng sữa: Vì cơ thể bé vẫn rất nhạy cảm, nên với bất kì phương pháp ăn hay loại thực phẩm mới nào, bạn đều phải cho bé có thời gian để làm quen. Hãy chia nhỏ lượng sữa thành nhiều lần uống mỗi ngày. Hơn nữa, việc này cũng giúp bạn dễ dàng quan sát phản ứng của của trẻ như có bị dị ứng hay không, trẻ có thích loại sữa này không.
Sử dụng các sản phẩm từ sữa, kết hợp với thực phẩm khác: Bạn hãy tham khảo các sản phẩm khác từ sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai,… hoặc kết hợp với các loại thực phẩm khác. Để có một bữa sáng tràn đầy năng lượng thì ngũ cốc là một sự lựa chọn hợp lí. Tuy nhiên, chú ý tránh kết hợp với những loại thực phẩm như trái cây có vị chua, hay trà xanh,…
Nói không với ăn vặt: Những thực phẩm như đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt tác động không tốt đến sức khỏe, sự phát triển cũng như tạo thói quen xấu cho cơ thể của bé. Khi bé thèm đồ ngọt, bạn hãy cho bé uống các loại sữa có đường hoặc vị trái cây thay cho bánh, kẹo.
Chú ý thời điểm uống sữa: Bố mẹ lúc nào cũng lo lắng cho bé, nhưng nhiều khi lại quên mất rằng, bé vừa giải quyết xong 1 bữa chính no căng nên không thể uống thêm sữa được đâu. Việc lựa chọn thời điểm cho bé ăn một cách khoa học nhất là mấu chốt quyết định vấn đề lượng dinh dưỡng đó có phát huy và được bé hấp thụ tối đa không.
Thực hiện theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Sữa học đường được triển khai tại các trường học và áp dụng với đối tượng thụ hưởng là học sinh thuộc bậc học Mầm non và Tiểu học.
Tuy nhiên, để chương trình được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, đảm bảo đúng quy định của Chính phủ và đạt hiệu quả cao nhất, chương trình cần được xây dựng từ cấp lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở chương trình được thống nhất ở cấp tỉnh, chương trình sẽ được triển khai tới các trường học trên địa bàn tỉnh, thành phố đó.
Như vậy, để có thể tham gia và chương trình Sữa học đường:
Đối với nhà trường: Nhà trường có mong muốn được triển khai chương trình Sữa học đường, sẽ chủ động đề xuất lên cơ quan quản lý là Phòng Giáo dục & Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Đối với cha mẹ học sinh: Phụ huynh có nguyện vọng muốn con mình được tham gia chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao thể lực, trí lực sẽ đăng ký với Nhà trường nơi con em mình theo học.
Vitamin A có nhiều chức năng quan trọng trong sự phát triển của con người. Trước hết là vai trò của nó đối với sự tăng trưởng. Trẻ em cần Vitamin A để phát triển bình thường, Thiếu Vitamin A sẽ làm cho trẻ còi cọc, tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp.
Vitamin A còn có vai trò duy trì thị giác bình thường khi ánh sáng giảm, do đó biểu hiện sớm của thiếu Vitamin A là giảm khả năng thích nghi bóng tối, chúng ta hay gọi là "quáng gà".
Thiếu Vitamin A thường gặp ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú vì nhu cầu Vitamin A của họ cao hơn các đối tượng khác
Vitamin A có trong các thức ăn nguồn động vật như: trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm … Vitamin A còn có nhều trong các loại rau có màu xanh đậm như: rau ngót, rau muống, rau giền, rau diếp, xà lách … và các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ và quả chín như đu đủ, xoài, hồng, mơ…
Rau là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất khoáng quan trọng có lợi cho cơ thể. Ngoài ra rau còn là nguồn cung cấp chất xơ giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng, phòng chống táo bón. Tuy nhiên đây thường là món ăn mà trẻ không ưa thích. Các bậc phụ huynh cần tạo cho bé một thói quen ăn rau ngay từ còn nhỏ để bé có thể hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, các phụ huynh có thể cho bé ăn rau bằng cách thái, băm, giã nhỏ rau xanh ra cho lẫn vào bột và cháo, dần dần hãy tăng từ ít đến nhiều. Ngoài ra, các bạn nên thay đổi các loại rau trong bữa ăn hàng ngày của trẻ để tránh sự nhàm chán.
Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, lúc đầu có thể thái rau nhỏ dùng nấu canh dạng súp trộn lẫn vào cơm cho trẻ ăn. Các bạn nên chọn các loại rau để nấu từng loại canh thích hợp. Ví dụ: rau mồng tơi, rau đay có thể nấu với cua; rau ngót nấu với thịt băm,… Trẻ lớn hơn thì bạn có thể chế biến các loại rau đa dạng hơn như xào, luộc,…